Cơ hội và thách thức khi trồng rừng bằng cây Mắc ca

           Cây Mắc ca (tên khoa học: Macadamia integrifolia Maid. Et Betche) là cây lâm sản ngoài gỗ thuộc Danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính theo quy định tại Thông tư 30/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính.

Quả và hạt Mắc ca (Ảnh: Nguồn Internet)

          Cây Mắc ca có xuất xứ từ nước Úc, Tại Việt Nam cây Mắc ca được đưa về trồng khảo nghiệm từ những năm 2002. Cây Mắc ca có yêu cầu sinh thái như sau: thích hợp trồng ở những vùng có nhiệt độ từ 12 - 32 độ C. Nhiệt độ tối ưu để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất là 20 - 25 độ C; lượng mưa tối ưu là 1500- 2500 mm/năm và được phân bố đều trong năm; thích hợp với nhiều loại đất trồng khác nhau, tầng đất phải dày ít nhất 70 cm, đất giàu chất hữu cơ, không quá sét và có khả năng thoát nước tốt. Đất tơi xốp và có độ pH trung bình từ 5,5 đến 6,5; những vùng có độ cao tương đối từ 300 đến 1200 m so với mặt nước biển. tương đối thích hợp trồng ở những vùng bằng phẳng và có độ dốc không quá lớn; là cây ưa sáng nên không được trồng xen cây Mắc ca những cây ăn quả có tán rộng khác…

          Sản phẩm chính của cây Mắc ca là hạt. Hạt Mắc ca có màu sữa trắng ngả vàng, chiếm gần 1/3 trọng lượng hạt, thành phần dinh dưỡng trong nhân hạt Mắc ca như sau: Chất béo 78,2%; Các hợp chất đường 10%; Các hợp chất đạm (protein) 9,2%; Hàm lượng nước 1,5 - 2,5 %; Kali 0,37%; Phôt-pho 0,17%; Magie 0,12%. Ngoài ra trong mỗi kg nhân hạt Mắc ca còn chứa Can-xi 360mgr, Lưu huỳnh 66 mgr, Sắt dễ tiêu 18 mgr, Kẽm 14 mgr, Đồng 3,3 mgr, và một số loại Vitamin như Vitamin pp 16 mgr, Vitamin B1 2,2 mgr, Vitamin B2 2,2 mgr; Vitamin E rất lớn: 6,4 - 18 g/kg nhân.

Được mệnh danh là cây "tỷ đô", bởi lẽ Mắc ca được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao, theo tính toán với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha có thể thu lãi 100 triệu đồng. Ngoài ra, cây Mắc ca có tán lớn, tuổi thọ dài, sức chống chịu tốt, là một cây phủ xanh đất trống đồi trọc có hiệu quả nên còn có giá trị góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, đặc biệt là ở vùng miền núi. Tây Nguyên có thuận lợi là diện tích cà phê lớn nên có thể áp dụng trồng xen mắc ca. Cây cà phê ưa bóng, khi trồng xen Mắc ca thì tạo bóng cho cây cà phê, cây Mắc ca lại được hưởng nước tưới từ cây cà phê khiến Mắc ca có tỷ lệ hoa và đậu quả nhiều hơn và không ảnh hưởng gì đến năng suất cây cà phê. Hơn nữa, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở đây rất thuận lợi nên có thể nâng cao được sản lượng.

          Hiện nay có không ít những ý kiến trái chiều khi cho rằng kỹ thuật trồng cây Mắc ca rất phức tạp, đó là loại cây thụ phấn chéo, phải nhờ giống khác mới thụ phấn được nên phải trồng 3-4 giống trong một vườn, vì vậy tỷ lệ thụ phấn còn phụ thuộc vào tổ hợp giống được chọn lựa. Cây Mắc ca có đặc điểm ra hoa, kết trái vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 hàng năm trong khi đó thời tiết, khí hậu tại tỉnh Kon Tum vào thời điểm này, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp làm hạn chế đến khả năng thụ phấn, dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp; gió mạnh có khả năng làm cây ngã đổ vì Mắc ca có bộ rễ nông.

          Tỉnh Kon Tum, diện tích cây Mắc ca hiện có khoảng 260ha, trồng từ năm 2013 đến nay (bao gồm cả diện tích trồng thuần và trồng xen) các giống Mắc ca được trồng chủ yếu là các dòng: H2, OX, OC, DAD, A4, A38, 508, 246, 842, 816,695,741,800, 849, 699, 695…. Đa số diện tích này được các hộ dân trồng tự phát, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư trồng thâm canh, đến thời điểm này cây Mắc ca  Kon Tum chỉ sinh trưởng, phát triển ở mức trung bình, sản phẩm sau thu hoạch chỉ bán cho thương lái trên cơ sở thỏa thuận giá cả, chưa có doanh nghiệp nào nhận bao tiêu sản phẩm. Hiện tại tỉnh Kon Tum vẫn chưa có công trình, đề tài nghiên cứu khoa học nào để đánh giá được hiệu quả kinh tế khi trồng Mắc ca so với các loài cây trồng khác.

          Thông báo kết luận số 2239/TB-VP ngày 09/9/2019 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum sau khi làm việc với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam ngày 05/9/2019, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn cho Nhân dân,  các doanh nghiệp, các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng... có thể triển khai, lựa chọn giống thích hợp để xây dựng mô hình trồng cây Mắc ca phù hợp với điều kiện của địa phương (như trồng xen cà phê, kết hợp cải tạo rừng trồng, rừng sản xuất...) để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

          Có nên cân nhắc, lựa chọn cây Mắc ca để trồng rừng hay không vẫn là một bài toán khó đối với tỉnh Kon Tum. Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần phải  thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:

          Một là, lập quy hoạch phát triển Mắc ca trên địa bàn tỉnh bao gồm giống, vùng trồng, thị trường, sản phẩm; tránh việc người dân trồng tự phát không định hướng dễ gây ra rủi ro khi tham gia sản xuất.

          Hai là, quản lý giống cây là yếu tố then chốt, cần khuyến cáo các tổ chức cá nhân nên mua giống Mắc ca tại các cơ sở đã được cấp chứng chỉ công nhận nguồn giống cây lâm nghiệp, cần phải tìm hiểu đặc tính, yêu cầu sinh thái, khả năng thích nghi của cây Mắc ca đối với khu vực dự kiến trồng.

          Ba là, tổ chức chương trình trồng khảo nghiệm ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế tại các địa phương trước khi nhân ra diện rộng.

          Bốn là, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng Mắc ca theo Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch quả và sơ chế hạt cây Mắc ca, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành (Quyết định số 3697/QĐ-BNN-TCLN, ngày 24/9/2018) để đảm bảo chất lượng nguồn giống cũng như đạt năng suất cao.

          Năm là, định hướng thị trường đầu ra cho sản phẩm đòi hỏi có sự chung tay của các nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, nhà nông, để tạo ra một quy trình chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thu mua, tiêu thụ.

           Sáu là, có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng bằng cây Mắc ca.

Các tin, bài khác