Đảm bảo an toàn cho học sinh khi học trực tuyến

Vừa qua, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi một nam sinh lớp 5 tại Nghệ An học trực tuyến ở nhà thì chiếc điện thoại phát nổ, em được đưa đến bệnh viện cấp cứu song bị nặng em đã tử vong. Vụ việc thương tâm này khiến nhiều phụ huynh học sinh phải giật mình và xem lại trường hợp của con mình khi dùng điện thoại để học trực tuyến ở nhà.

Tổ chức học trực tuyến ở nhà là giải pháp cần thiết trong bối cảnh các địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid - 19. Tuy nhiên, việc học trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với học sinh, không chỉ ảnh hưởng về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng khi các em tiếp xúc với các thiết bị điện nhưng thiếu kỹ năng cần thiết để xử lý mà còn ảnh hưởng đến việc học như không tập trung, truy cập những thông tin thiếu bổ ích trên mạng hoặc tham gia các trò chơi game,…

Nhiều phụ huynh bận công việc nên không có thời gian giám sát việc học trực tuyến của con. Đối với học sinh tiểu học thì rất nguy hiểm, vì các cháu chưa hiểu về các thiết bị điện, nếu sơ suất thì sẽ bị điện giật.

Nếu học trực tuyến trên điện thoại thì độ an toàn sẽ thấp hơn vì nhiều nguyên nhân khác nhau như chất lượng điện thoại không đảm bảo, sử dụng lâu sẽ khiến viên pin bị phồng và tiềm ẩn nguy cơ phát nổ hoặc điện thoại có khả năng cháy nổ do điện áp cao,... Phần lớn các ca tử vong do dùng điện thoại khi đang sạc pin nhưng bộ sạc lại không đảm bảo chất lượng nên gây ra điện giật.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho học sinh khi học trực tuyến, giáo viên và phụ huynh phải phối hợp tốt trong việc kiểm tra thiết bị trước khi học trực tuyến. Phải hướng dẫn cho học sinh biết rõ về an toàn điện và các thiết bị điện tử, các kỹ năng bảo vệ bản thân khi xảy ra sự cố chập điện, cháy nổ. Phụ huynh phải có trách nhiệm kiểm tra, nhắc các con ngồi xa nguồn điện, sạc đầy pin trước khi học và không dùng điện thoại khi vừa học vừa sạc pin.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên mua sắm các thiết bị điện tử đảm bảo chất lượng để phục vụ học trực tuyến, tuyệt đối không dùng những thiết bị trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng; đồng thời, sắp xếp, bố trí công việc để giám sát, cùng học trực tuyến với con. Nhà trường và giáo viên bộ môn cần bố trí lịch học và thời gian học trực tuyến phù hợp, không để quá tải, nếu không, các thiết bị điện tử sẽ có nguy hỏng hóc, cháy nổ.

Có như vậy, mới hạn chế những vụ cháy nổ do các thiết bị điện tử gây ra, góp phần đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng của học sinh khi tham gia học trực tuyến.

Các tin, bài khác