Huyện Đăk Hà xây dựng mỗi xã một sản phẩm đặc trưng
Ngày đưa:  01/08/2018 12:58:05 AM In bài
Huyện Đăk Hà tổ chức giới thiệu sản phẩm Đặc trưng

            Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, huyện Đăk Hà đã triển khai xây dựng mỗi xã trên địa bàn huyện một sản phẩm đặc trưng trên cơ sở phát huy điều kiện và tiềm năng sẵn có của từng địa phương…

            Qua thời gian triển khai, đến nay đã có 11 xã, thị trấn đăng ký 15 sản phẩm đặc trưng như: Măng le khô của xã Đăk Pxi; Nấm dược liệu của HTX Cựu quân nhân xã Đăk Hring; Cà phê sạch nguyên chất của HTX kiểu mới Nông nghiệp và Dịch vụ công bằng Nông trại Pô Kô Farms, thị trấn Đăk Hà; Rượu ghè nếp cẩm và các sản phẩm làm từ gạo nếp cẩm như bánh nếp cẩm, cơm lam nếp cẩm xã Đăk Ngọk; Gạo nếp than, Tiêu sạch xã Đăk Long; Lúa thơm Đăk La; Đồ thủ công mỹ nghệ làm từ vật liệu tự nhiên tre, nứa, mây như gùi, nỏ, mô hình nhà rông của xã Đăk Ui; Rượu ghè xã Ngọk Réo; Trái cây sạch gồm sầu riêng trái mùa, cam sành, quýt đường xã Ngọk Wang; Mật ong xã Đăk Mar; Gà thả vườn xã Hà Mòn. Đây là những sản phẩm “đặc sản” có tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, có 4 sản phẩm: Măng le; Nấm ăn, nấm dược liệu, Gạo thơm và Cà phê rang đã được ra mắt, giới thiệu, quảng bá đến với người tiêu dùng và thị trường trong và ngoài tỉnh.

Măng le khô của xã Đăk Pxi

Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” được Bộ NN&PTNT phát động với mục tiêu sản xuất các sản phẩm truyền thống có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương tạo ra các dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Đến nay, Đăk Hà là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng và chỉ đạo thực hiện các sản phẩm đặc trưng và đang thực hiện lộ trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Qua đó, góp phần khuyến khích nhân dân, nhất là người DTTS tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững. Đồng thời, gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc địa phương.


Bản quyền ©2012 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum