Những năm qua, mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất gắn với liên kết chuỗi giá trị, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó giúp khai thác, phát huy lợi thế của từng địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Được thành lập từ năm 2021, HTX Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei (huyện Đăk Glei) đã từng bước phát triển, ổn định sản xuất. HTX đã đầu máy móc, kỹ thuật sản suất, mở rộng nhà xưởng để chế biến các loại dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, nghệ, gừng, mắc ca... Đến nay, sản lượng xuất bán của HTX ước đạt trên 36 tấn dược liệu một năm, đem lại doanh thu trên 3 tỷ đồng. Đặc biệt, đây là điều kiện quan trọng để HTX có được 6 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.
Ông Ngô Quang Quyết - Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei cho biết: "Thời gian tới HTX sẽ tăng cường liên kết với người dân, nhất là trong trong vùng dân tộc thiểu số và mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất, đồng thời tiếp tục xây dựng từ 2 đến 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao".

Các sản phẩm được chế biến từ dược liệu của HTX Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei.
Phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, tỉnh ta đã tổ chức, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, cụ thể hóa nội dung về phát triển kinh tế tập thể vào chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai trên địa bàn. Nhờ có sự đóng góp tích cực của các HTX qua việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.Hiện toàn tỉnh hiện có 342 HTX hoạt động trên các lĩnh vực với hơn 11 nghìn thành viên. Tổng nguồn vốn của HTX là 290.000 triệu đồng. Doanh thu bình quân khoản 1.305 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân khoảng 290 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng/người/năm.
Các HTX đã khẳng định được vai trò trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng, từ đó nông dân đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh có 249 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên; 01 sản phẩm đạt 5 sao; 08 sản phẩm tiềm năng 5 sao, trong đó số sản phẩm OCOP của các HTX nông nghiệp chiếm chủ yếu.
Bên cạnh việc hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tỉnh cũng chú trọng xúc tiến thương mại và hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh cho các HTX trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Thông qua giới thiệu các HTX tham gia triển lãm, hội chợ được tổ chức trong và ngoài tỉnh; thực hiện cung cấp thông tin, kết nối HTX với các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển HTX giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Với xu hướng phát triển bền vững hiện nay, nhiều HTX đã và đang triển khai các mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường như nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo và xử lý rác thải. Nhờ đó, HTX không chỉ giúp cải thiện môi trường sống mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho hay: “Phát triển kinh tế tập thể, HTX luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước. Trong thời gian tới, Liên hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của kinh tế tập thể, mô hình HTX kiểu mới; phát huy tinh thần tự chủ, tự giác về kinh tế tập thể, giúp cho thành viên các HTX nhận thức đầy đủ hơn về bản chất, nguyên tắc, giá trị mà HTX mang lại. HTX không chỉ đóng vai trò tập hợp mà còn làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho thành viên, nhân dân trong vùng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp hay xây dựng nông thôn mới sẽ không thể thành công nếu thiếu sự tham gia đóng góp của HTX. HTX trong giai đoạn mới không chỉ là mô hình kinh tế tập thể đơn thuần mà còn là công cụ quan trọng giúp phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX sẽ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Quốc Tuấn