Trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có tác động mạnh đến Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt trong trung đến dài hạn.
Tương tự như với nhiều nước trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động tích cực đến tiêu dùng, giá cả và môi trường ở Việt Nam. Tuy nhiên, khác các nước tư bản phát triển, đặc biệt là các nước ở trình độ công nghệ cao, quá trình điều chỉnh ở Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức hơn do phát sinh ra những vấn đề mới liên quan đến tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất. Tác động này có sự khác biệt giữa các ngành theo phân loại truyền thống.
Nhóm ngành năng lượng
Nhóm ngành này cung cấp các đầu vào chiến lược cho nền kinh tế. Tuy nhiên tác động có sự khác biệt giữa dầu khí và điện năng, do có một sự khác biệt căn bản giữa hai phân ngành này: dầu khí có thể xuất nhập khẩu được và do vậy chịu sự chi phối của giá thế giới, trong khi đó điện năng cơ bản là không.
Ngành dầu khí của Việt Nam hiện nay đang chịu áp lực rất lớn, trước tiên là do sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc. Việc đầu tầu của kinh tế thế giới “ngốn nhiều năng lượng và nguyên vật liệu” này chạy chậm lại ảnh hưởng mạnh đến các ngành dầu khí và khai thác tài nguyên. Một nguyên nhân khác mang tính căn bản và có tác động dài hạn hơn là do có những đột phá trong lĩnh vực năng lượng (khai thác dầu đá phiến, sản xuất năng lượng tái tạo, ắc qui trữ điện) và vận tải (ô tô điện với chi phí sản xuất và giá giảm nhanh, kinh tế chia sẻ như Uber hay Grab taxi), nhu cầu đối với dầu thô khó có thể tăng mạnh. Ngay tại Trung Quốc, như đã nêu trên, nền kinh tế đang chuyển sang “thâm dụng công nghệ” hơn. Điều đó có thấy những thách thức mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam phải đối mặt là mang tính dài hạn, đòi hỏi phải có một quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, điều mà một quốc gia dầu mỏ như Ả rập Xê-Út đã bắt đầu phải thực hiện. Đồng thời, cần điều chỉnh một cách căn bản và dài hạn các thông số liên quan đến dầu thô trong việc xây dựng các kế hoạch thu chi ngân sách để có các giải pháp phù hợp.
Ngành điện có thể được hưởng lợi khá nhiều nhờ những đột phá trong công nghệ năng lượng tái tạo,trước hết là công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời cũng đã tiến bộ rất nhiều ở một số nước tiên tiến như Mỹ, Đức v.v… với tiềm năng phổ biến nhanh trên toàn cầu nhờ giá sản xuất giảm đáng kể. Sức ép tái cơ cấu của ngành điện Việt Nam lại là: làm thế nào để nắm bắt cơ hội tốt nhất để giảm giá đầu vào chiến lược của nền kinh tế, đồng thời giảm thiểu mạnh tác động đến môi trường.
Nhóm ngành công nghiệp chế tạo
Đây là nhóm ngành mà Việt Nam sẽ phải chịu tác động mạnh nhất vì ba lý do: Thứ nhất, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến nhóm ngành này rất mạnh. Thứ hai, cơ chế lan truyền tác động của công nghệ trong kinh tế toàn cầu rất nhanh thông qua kênh xuất nhập khẩu do bản chất thương mại quốc tế cao của nhóm ngành này (tradable sector). Thứ ba, những đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do làm giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ tại đây. Cụ thể, những tiến bộ vượt bậc trong quá trình tự động hóa và số hóa đã và đang giúp giảm mạnh chi phí chế tạo và vận hành người máy, và do vậy làm tăng khả năng công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn và các trung tâm R&D ở các nước này.
Tác động đến một số phân ngành cụ thể như sau:
Ngành dệt may, giày dép
Có một số đột phá công nghệ quan trọng đang vẽ lại bức tranh của ngành này trên phạm vi toàn cầu: (i) công nghệ chế tạo đắp dần, máy chụp thân thể, thiết kế bằng máy tính giúp có thể sản xuất các sản phẩm hàng loạt các sản phẩm phù hợp với những thông số đơn lẻ của từng khách hàng; (ii) công nghệ nano giúp các sản phẩm dệt may, giày dép có thể tích hợp các chức năng theo dõi sức khỏe (đo nhịp tim, lượng calo giải phóng liên tục v.v…); (iii) tự động hóa khâu cắt và khâu may (sử dụng robots, trong khâu may còn được gọi là sewbots). Điều này được kỳ vọng là sẽ làm thay đổi toàn bộ ngành dệt may, da giày, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư quay trở về Mỹ, trong một khoảng thời gian ngắn có thể chỉ là 5 năm tới.
Ở Việt Nam, ngành dệt may đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, một phần lớn nhờ đơn hàng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc theo chiến lược “Trung Quốc + 1” của các tập đoàn đa quốc gia do chi phí lao động ở quốc gia này tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi nhanh chóng với đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giảm mạnh, và khách hàng yêu cầu giảm giá đáng kể. Công nhân trong các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đang bị kẹt ở giữa trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu, với một bên là nhân công rẻ hơn từ các nước Campuchia, Bangladesh, Myanmar v.v…, và bên kia là người máy đang được ứng dụng ngày một rộng rãi ở các nước phát triển và cả ở Trung Quốc, dẫn đến sự chuyển dịch của sản xuất trong phân khúc có giá trị cao hơn trở lại các nước phát triển và trở lại Trung Quốc để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn, các trung tâm R&D và các trung tâm cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện. Triển vọng của ngành dệt may hiện nay hết sức bấp bênh, dẫn đến việc các doanh nghiệp hiện đang hoạt động kêu gọi không đầu tư thêm vào ngành này nữa.
Việc Việt Nam tham gia TPP có thể giảm nhẹ phần nào cạnh tranh từ các nhà cung ứng dựa trên lao động giá rẻ từ Campuchia, Bangladesh hay Myanmar. Tuy nhiên TPP có thể lại là “con ngựa thành Tơ roa” mở toang thị trường Việt Nam cho các sản phẩm có giá trị cao từ Mỹ nhắm vào tầng lớp trung lưu và thượng lưu mới nổi ở nước ta do nguyên tắc “có đi có lại” trong việc giảm thuế tại các nước tham gia TPP. Những sản phẩm dệt may, giày dép chất lượng cao, thân thiện môi trường và hỗ trợ sức khỏe “Made in USA” với giá cả hợp lý (nhờ tự động hóa và sản xuất với qui mô lớn) lại may vừa với từng khách hàng (nhờ công nghệ chụp thân thể có thể tự thực hiện trực tuyến trong đo và khâu đặt hàng) bán rộng rãi ở Việt Nam để phục vụ những đối tượng có thu nhập khá có thể là kịch bản hiện hữu trong tương lai trung hạn.Các mô hình tính toán mô phỏng tác động của TPP đến Việt Nam của các chuyên gia quốc tếvới các kết quả rất lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cho các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày dép nói riêng, đã bỏ qua yếu tố này. Tuy nhiên những giả định về lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam dẫn đến luồng thương mại về dệt may và giày dép mang tính một chiều từ Việt Nam sang các nước phát triển tham gia TPP không còn đúng nữa dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là tự động hóa với giá người máy đang giảm đi nhanh chóng.Do đó mà các kết quả tính toán nêu trên hiện được trích dẫn rộng rãi trong các cuộc thảo luận về TPP ở Việt Nam rõ ràng là không còn phù hợp.
Báo cáo mới nhất của ILO công bố tháng 7/2016 cho thấy Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ như được nêu trên. Tỷ lệ rất lớn này sẽ chuyển thành con số tuyệt đối rất lớn vì dệt may và giày dép lại là các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động (khoảng gần 2,3 triệu người, trong đó khoảng 78% là lao động nữ làm việc trong ngành dệt may; giày dép – 0,98 triệu người, trong đó có khoảng 74% là lao động nữ làm việc trong ngành giày dép; lao động trong hai ngành chiếm 6,2% tổng lực lượng lao động và 13,7% việc làm phi nông nghiệp). Trong số đó có nhiều lao động ít kỹ năng (tương ứng là 17% và 26% lao động dệt may và giày dép chỉ có trình độ tiểu học), và một tỷ lệ đáng kể không còn trẻ, từ 36 tuổi trở lên: 35,84% đối với dệt may và 25,37% đối với giày dép. Đây là nhóm không dễ dàng tìm được việc làm thay thế ở trong khu vực chính thức.Điều này cho thấy quá trình điều chỉnh sẽ rất khó khăn, và có thể làm đảo ngược quá trình chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp và tăng tỷ trọng của khu vực chính thức trong nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Trong ngành giày dép, công nghệ in 3D đã tiến bộ đến mức có thể sản xuất giầy ngay tại chỗ, và công nghệ này sẽ sớm được hoàn thiện trong một tương lai không xa. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở các nước phát triển có thể có ngay một đôi giày sản xuất theo nhu cầu của khách hàng mà không cần phải trải qua quy trình sản xuất hay nhập khẩu từ một quốc gia khác.
Ngành điện tử
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam hiện nay có khoảng 510.000 lao động đang làm việc trong ngành, với khoảng 66% là lao động nữ, và khoảng 6,7% có trình độ chỉ ở mức tiểu học, và chỉ khoảng 13,5% từ 36 tuổi trở lên. Ngành điện tử trong những năm gần đây có những tiến bộ vượt bậc nhờ sự hiện diện của các tập đoàn đa công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. Các tập đoàn này đã thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1” - chuyển dịch các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc (để tránh chi phí lao động đang tăng nhanh tại quốc gia này) để đến những địa điểm gần với Trung Quốc (để hướng vào thị trường tiêu thụ khổng lồ với tầng lớp trung lưu có qui mô lớn nhất nhì thế giới). Với lợi thế tương đối về lao động giá rẻ, và vị trí địa kinh tế rất thuận lợi, Việt Nam đã hưởng lợi nhiều từ quá trình này, là ngôi sao đang lên trong con mắt các nhà bình luận quốc tế nhờ xuất khẩu điện tử tăng mạnh.
Tuy nhiên, trong trung hạn điều này có thể thay đổi do có những công nghệ đột phá (i) in 3D; (ii) người máy và (iii) Internet kết nối vạn vật, đang được triển khai áp dụng nhanh chóng trong ngành điện tử. Một thông tin gần đây đáng được quan tâm là công ty Đài Loan Foxconn - hãng công nghệ lớn nhất thế giới chuyên về sản xuất các bộ phận máy tính và lắp ráp sản phẩm cho những "đại gia" như Apple, Sony và Nokia, đã sử dụng người máy thay thế cho 60.000 lao động tại các nhà máy của công ty này một số thành phố của Trung Quốc. Động thái trên của Foxconn nhằm cắt giảm chi phí lao động cũng như nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời tạo hướng đi mới trong việc sử dụng nhân công vốn đã bị chỉ trích quá nhiều của Foxconn. Đối với các công ty này, việc thay thế lao động bằng người máy tiết kiệm được chi phí do giá người máyđang giảm nhanh, đồng thời có thể vận hành liên tục trong hàng chục giờ mà ít bị lỗi, cũng như tránh được chi phí đóng góp an sinh xã hội hay sản xuất gián đoạn do đình công, không bị cáo buộc đối xử không tốt với người lao động v.v…
Ở Việt Nam, chi phí nhân công mới bằng khoảng 60% so với ở Trung Quốc, xong xu thế này đáng lo ngại do giá người máy giảm nhanh. Cần phải dự tính kịch bản mà các tập đoàn đa quốc gia có sự hiện diện ở Việt Nam cũng có những bước đi tương tự như Foxconn trong trung hạn.Ví dụ, nếu Samsung Việt Nam sẽ thực hiện điều này, việc làm của hàng chục nghìn lao động tại Samsung sẽ bị ảnh hưởng. Các hoạt động kinh doanh có liên quan như cung cấp suất ăn hay chỗ ở, vận chuyển công nhân đi làm mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cung cấp cho Samsung cũng bị ảnh hưởng theo. Trong khi đó Samsung Việt Nam vẫn hưởng lợi từ qui định xuất xứ trong TPP cho dù có thay thế lao động của Việt Nam bằng người máy. Nói cách khác, trong trường hợp đó, các doanh nghiệp FDI được lợi đơn lợi kép, trong khi phần của Việt Nam giảm mạnh bất chấp đây là cuộc chơi hai bên cùng thắng (win-win game).
BBT (Tổng hợp)