Thực tiễn hiện nay đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề để phục vụ cho xã hội là xu hướng tất yếu. Việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho học sinh là vấn đề luôn được quan tâm nhiều trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh nhà nói riêng và xây dựng đất nước nói chung.
Trong lĩnh vực Dạy nghề, học sinh, sinh viên ra trường ngoài trang bị những kiến thức cơ bản, môn học chuyên ngành… còn cần phải được trang bị những kỹ năng về nghề…Từ đó học sinh mới có khả năng tìm hiểu cái mới về ngành nghề, bắt kịp tiến độ phát triển của ngành nghề trong nước, khu vực và trên thế giới.
Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp dạy nghề đã có bước phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực kỹ thuật của thị trường lao động. Tuy nhiên, dạy nghề vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, bức xúc và là mối quan tâm của toàn xã hội.
Do thiếu quy hoạch hệ thống đào tạo nghề, sự quan tâm của địa phương và các doanh nghiệp, sự bất cập về trình độ của học sinh, sinh viên… Vì vậy đào tạo nghề chưa thích ứng với thị trường lao động; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các khu công nghiệp - khu chế xuất cả về số lượng và chất lượng, chưa có chính sách thu hút trọng dụng người tài, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng lành mạnh. Hiện nay sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đang đòi hỏi nhu cầu về nguồn nhân lực - một lực lượng đông đảo có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong xu thế cạnh tranh và hội nhập.
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nguồn nhân lực của tỉnh Kon Tum đang ở trong tình trạng thừa lao động phổ thông, lao động không có chuyên môn kỹ thuật, nhưng lại thiếu lao động có trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, thiếu thợ kỹ thuật trong các ngành, nghề và trong các khu vực kinh tế, tình trạng thất nghiệp vẫn đang được báo động. Một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng đào tạo không đáp ứng được đòi hỏi.
Để đáp ứng nhu cầu trên Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum đã và đang triển khai nhiều biện pháp để phát triển ngành nghề, ứng dụng nghề nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng quy mô đào tạo, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề, tăng cường quản lý chất lượng, xây dựng và ban hành các quy chế chính sách cụ thể: Tăng cường cơ sở vật chất, tập trung huy động các nguồn lực ở địa phương, trong doanh nghiệp, trong các tổ chức quốc tế và đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt... Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề còn có một nội dung không thể thiếu đó là nghiên cứu khoa học, đây là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu của mỗi cán bộ, giảng viên.
Thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường
Trong những năm vừa qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum đã phát triển đều khắp ở các đơn vị trong trường, việc nâng cao hiệu quả chất lượng dạy và học, gắn khoa học với thực tiễn là điều hết sức cần thiết.
Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn, các Khoa chuyên môn xây dựng nội dung nghiên cứu phong phú, thiết thực đã đi vào chiều sâu của từng ngành nghề, của từng lĩnh vực. Trong quá trình đào tạo và công tác, đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các phương tiện, thiết bị và đồ dùng dạy học đa dạng, phong phú, nâng cao được hiệu suất, năng lực của máy móc, thiết bị; từ đó chất lượng và hiệu quả dạy nghề ngày càng được nâng cao.
Để phong trào thi đua ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao, Nhà trường thường xuyên quan tâm, động viên, hướng dẫn cho các tập thể và cá nhân về nội dung, tiêu chuẩn và biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua; đăng ký xây dựng tập thể, cá nhân điển hình tiến tiến; phối hợp với công đoàn kiểm tra các mô hình, đề tài có tính khả thi cao để động viên đội ngũ cán bộ, giảng viên thực hiện. Hàng năm nhà trường đã trích ra một phần ngân sách cho đầu tư làm thiết bị dạy học, nghiên cứu khoa học, quỹ khen thưởng cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích cao trong các đợt hội thi thiết bị cấp cơ sở, cấp tỉnh và toàn quốc.
Nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học từ năm 2012 đến năm 2017 có một số cá nhân, tập thể đã tham gia làm các mô hình, đồ dùng dạy học, các giải pháp quản lý phục vụ cho công tác giảng dạy; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cụ thể như các mô hình: “Mái che đóng mở tự động; máy cắt cỏ chạy bằng động cơ điện; Mô hình thực tập lập trình Logo-Zen-PLC; Bảng thực hành mô đun trang bị điện; Mô hình dàn trải quấn dây động cơ không đồng bộ; Thiết bị bảo dưỡng kim phun xăng điện tử; giải pháp quản lý chất lượng đào tạo nghề cho học sinh dân tộc thiểu số”; Bàn thực hành kỹ thuật đấu nối và kiểm tra cáp xoắn đôi trong mạng máy tính; Bàn mô phỏng phân cực máy điện quang; Mô hình giao tiếp LAVIEW- ADRUINO; Sơ đồ dàn trải hệ thống kích từ máy phát điện công suất nhỏ; Mô hình chiếu sáng dùng Pin năng lượng mặt trời; Thiết bị bơm dầu cầu-hộp số; Hệ thống phanh ABS; Sản xuất nhà vườn thông minh giá rẻ; Sản xuất nhà vườn thủy canh thông minh giá rẻ.
Với những kết quả đạt được, trường đã có 4 cá nhân được TLĐLĐ Việt Nam tặng Bằng LĐST; 15 sản phẩm được Hội đồng sáng kiến tỉnh công nhận; 08 mô hình đạt giải cao trong hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh và có 07 mô hình đạt giải hội thi thiết bị toàn quốc.
Mô hình “Sản xuất nhà vườn thủy canh thông minh giá rẻ”
Giải pháp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Thực tế cho thấy, một số năm gần đây hoạt động nghiên cứu của nhà trường đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, để hoạt động nghiên cứu khoa học chuyển biến sâu về mặt chất lượng thì cần phải bước chuyển mình mạnh hơn nữa không những chỉ trong nhận thức, mà phải được chuyển hoá bằng hành động từ mỗi cá nhân và đơn vị trong toàn trường, cụ thể:
Thứ nhất, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, tầm quan trọng nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học trong nhà trường ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới đào tạo nghề. Phương pháp đào tạo thông qua nghiên cứu khoa học sẽ giúp học sinh, sinh viên nắm vững phương pháp luận và vận dụng những phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể trong quá trình học tập ở trường cũng như trong thực tiễn công tác sau này.
Thứ hai, hàng năm nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học. Căn cứ trên các kế hoạch cụ thể, các đơn vị trong trường xây dựng kế hoạch hoạt động riêng của khoa mình. Nội dung nghiên cứu tập trung vào những vấn đề lý luận gắn liền với thực tiễn thuộc các môn học trong chương trình đào tạo, nhất là đề tài nghiên cứu nhằm tìm kiếm những giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng tự học tập, quản lý rèn luyện của học sinh, sinh viên. Từ đó cán bộ, giảng viên chủ động tìm kiếm, ấp ủ những ý tưởng khoa học, đề tài mà họ cảm thấy tâm đắc.
Thứ ba, các đề tài nghiên cứu khoa học phải đảm bảo tính vừa sức, ít tốn kém về tài chính, thời gian đi lại trong quá trình thực hiện. Tính vừa sức thể hiện ở việc xác định mục tiêu, đối tượng nghiên cứu phù hợp với nội dung chương trình đào tạo.
Thứ tư, để hoạt động nghiên cứu khoa học đi vào thực chất, bên cạnh hoạt động NCKH nhà trường cần có kế hoạch tài chính cụ thể riêng cho dạng hoạt động này. Căn cứ theo đăng ký hoạt động NCKH hàng năm của từng đơn vị, Hội đồng NCKH của nhà trường phân loại tính cấp thiết của từng loại đề tài nghiên cứu và có kế hoạch phân bổ kinh phí đến từng đơn vị. Đồng thời có cơ sở xây dựng kế hoạch xin hỗ trợ kinh phí ở các ban ngành quản lý liên quan.
Thứ năm, căn cứ theo kết quả hoạt động thực tế và kế hoạch đầu năm, cuối mỗi năm học hoặc theo giai đoạn của từng loại đề tài nghiên cứu, nhà trường xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả của từng đề tài nghiên cứu.
Thứ sáu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đặc biệt, cần tạo ra một cơ chế, chính sách để động viên, kích thích mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, để dạng hoạt động này được duy trì thường xuyên và hoạt động hiệu quả hơn.
Thứ bảy, động viên thầy, trò nhà trường hăng hái tham gia các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và các cấp các ngành, gắn chặt sản phẩm dự thi với yêu cầu cải tiến và nâng cao chất lượng sản xuất theo công nghệ cao, trực tiếp phục vụ cho đào tạo đội ngũ lao động trẻ giàu tính sáng tạo cho tỉnh.
Nguyễn An Huấn