Ngày 26 tháng 4 năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum ban hành hướng dẫn số 94 về bố trí cơ cấu giống một số cây trồng chính và khung thời vụ gieo trồng vụ mùa 2018 như sau:
1. CƠ CẤU GIỐNG
1.1. Giống lúa
- Khuyến cáo nông dân tập trung sử dụng giống lúa xác nhận đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh; có nguồn cung ứng giống lúa chủ động; có năng suất, phẩm chất cao, cứng cây chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới hoặc nguy cơ ngập úng vào cuối vụ nên bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cực ngắn ngày (dưới 90 ngày trở lại). Đối với những vùng chủ động có đủ nước tưới nên bố trí sản xuất những giống có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh.
- Trên cơ sở cơ cấu giống lúa chung của tỉnh, các huyện, thành phố tùy theo điều kiện cụ thể và thực tiễn sản xuất của địa phương xác định cơ cấu giống lúa cho phù hợp. Ngoài ra, các địa phương có thể bố trí từ 5-10% diện tích sản xuất giống lúa mới, triển vọng và giống đặc thù địa phương để chọn lọc giống phù hợp, đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT bổ sung vào cơ cấu trong những năm tiếp theo.
1.1.1. Giống lúa nước:
- Khuyến cáo cơ cấu giống như sau: HT1; VND95-20; IR56279; 13/2; SH2, Hương cốm, VD20; KD18; BC15; TBR45; Khang dân 18; Nhị ưu 838; Nghi hương 2308,...
- Đối với vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông: Sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như IR56279, VND 95-20,...
- Đối với các xã vùng Đông Trường Sơn: Sử dụng những giống lúa chịu lạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chịu phèn và chống chịu sâu bệnh như: VND 95-20, IR64, IR56279,…
- Đối với những vùng thường bị bệnh đạo ôn và nhiễm rầy trong những vụ trước nên chọn những giống kháng bệnh đạo ôn và kháng rầy.
1.1.2. Giống lúa cạn:
Sử dụng một số giống lúa cạn có thời gian sinh trưởng ngắn 100-110 ngày, năng suất cao, có khả năng chịu hạn tốt, khả năng phục hồi sau hạn nhanh, chịu thâm canh, có khả năng thích ứng sinh thái rộng, có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh thối thân khá, chất lượng và tỷ lệ gạo cao, hạt trong dài như LC93-1, LC93-4, LC227, LC408.... Ngoài ra còn có thể sử dụng một số giống lúa cạn địa phương như Xà kơn, lúa lốc,…
Lúa cạn có thể trồng xen với diện tích cà phê, cao su,… trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, chưa khép tán hoặc gieo cấy trên chân đất bằng 1 vụ không chủ động nước hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.
1.2. Giống ngô
Bố trí cơ cấu giống hợp lý, nhất là ở những vùng đất cao, trồng vụ 2 với các giống chịu hạn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, phẩm chất tốt, đặc biệt là LVN61, Bioseed B21 và một số giống như CP888, CP989, CP999, LVN10, DK 6919, Bioseed9698, Bioseed265,.… và một số giống ngô nếp sử dụng ăn tươi như VN2, VN6, MX4, nếp nù,… Mở rộng ứng dụng các giống ngô biến đổi gen đã được công nhận.
Đối với sản xuất trên đất bán ngập sử dụng một số giống ngô lai chín sớm, ngắn ngày, chịu hạn, chống chịu sâu bệnh như giống ngô lai đơn Bioseed B21, LVN61,…
1.3. Giống sắn
Bố trí các giống sắn khác có năng suất cao, hàm lượng tinh bột cao và có khả năng kháng bệnh “chổi rồng” như: KM 140, KM419, KM 98-5, .…
1.4. Giống cao su
Sử dụng các dòng cao su vô tính PB 260, PB 312, PB 255, RRIC 121,… có sức đề kháng với bệnh phấn trắng (do nấm Oidium heveae gây ra) theo khuyến cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
1.5. Giống cà phê
- Cà phê vối: Đối với vườn cà phê vối trồng mới, tái canh, ghép cải tạo giống mới cần sử dụng một số dòng vô tính cà phê TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13, giống lai đa dòng có kích thước hạt to, năng suất cao, kháng bệnh gỉ sắt, chín tập trung,… đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận được phép sản xuất kinh doanh.
- Cà phê chè: Chuyển đổi, thay thế dần giống cà phê Catimor thấp cây, hạt nhỏ, chất lượng thấp bằng một số giống cà phê lai TN1, TN2, dòng thuần TH1 kích thước hạt lớn, năng suất và chất lượng cao, thích nghi rộng, kháng được bệnh gỉ sắt đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận được phép sản xuất kinh doanh.
2. THỜI VỤ GIEO TRỒNG MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH
2.1. Cây lúa
Bố trí thời vụ gieo cấy sao cho phù hợp với thời kỳ cây lúa trỗ bông vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 là thích hợp nhất.
2.1.1. Cây lúa nước
Đối với vùng Tây Trường Sơn:
- Lúa cấy : Gieo mạ từ ngày 20/5 - 05/6, cấy từ ngày 05/6 - 20/6/2018.
- Lúa sạ : Gieo từ ngày 15/5 - 10/6/2018.
Đối với các xã vùng Đông Trường Sơn:
- Lúa cấy : Gieo mạ từ ngày 15/5 - 30/5, cấy từ ngày 10/6 - 30/6/2018
- Lúa sạ : Gieo từ ngày 01/6 - 20/6/2018.
Đối với ruộng lúa 1 vụ: đủ nước tới đâu gieo cấy đến đó, nên gieo sớm và tập trung dứt điểm trước ngày 30/6/2018.
2.1.2. Lúa cạn: Khung thời gian gieo sạ từ ngày 10/5 - 25/5/2018, khi đất đủ ẩm và số lần mưa tương đối đều.
2.2. Cây hàng năm khác
Cần chuẩn bị tốt khâu làm đất, giống để khi đất đủ ẩm và mưa đều có thể xuống giống kịp thời.
- Ngô vụ 1: Gieo từ ngày 05/5 - 25/5/2018 (khi đất đủ ẩm); Ngô vụ 2: Gieo từ ngày 30/7 - 15/8/2018.
- Sắn, đậu đỗ các loại: Khung thời vụ gieo trồng từ 01/5 - 30/5/2018 (khi đất đủ ẩm).
2.3. Các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm
Thời vụ trồng tập trung vào đầu tháng 6 đến 15/7/2018 và kết thúc trồng dặm trước 15/8/2018.
3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CẦN LƯU Ý ĐỂ SẢN XUẤT CÂY TRỒNG VỤ MÙA 2018 SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN THUẬN LỢI
3.1. Đối với cây lúa
- Sau khi thu hoạch lúa Đông xuân, vận động nhân dân ra đồng diệt chuột; tiến hành vệ sinh đồng ruộng, nạo vét, tu bổ kênh mương nội đồng;...
- Vận động nhân dân triển khai làm đất sớm (cày ải, vệ sinh đồng ruộng,...).
+ Cày ải phơi ruộng 7-10 ngày trước khi làm đất xuống giống. Việc cày, xới và phơi ải đất kỹ nhằm cải tạo độ phì của đất làm cho đất tơi xốp, giúp cho bộ rễ phát triển tốt. Đồng thời, sẽ tạo ra khoảng trống về thời gian để cắt dòng lưu truyền rầy nâu gây hại và một số sâu bệnh khác có thể lưu truyền phát sinh trên đồng ruộng.
+ Vệ sinh đồng ruộng bằng biện pháp cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước và đảm bảo thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất từ 20-30 ngày để phòng tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ, hạn chế nguồn dịch bệnh.
+ Khuyến cáo nông dân bón vôi cải tạo đất đối với những chân ruộng bị chua, phèn.
- Mùa mưa năm nay dự báo đến sớm hơn, nên vận động nhân dân tranh thủ làm đất xuống giống tập trung, đồng loạt theo từng khu vực, từng cánh đồng, nhanh gọn khi đất đủ ẩm để né hạn có thể xảy ra vào cuối vụ.
- Tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các vùng sản xuất lúa đảm bảo điều kiện, diện tích lớn, ứng dụng tổng hợp nhiều giải pháp kỹ thuật trong canh tác, chú ý biện pháp quản lý nước trong kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”; Khuyến cáo nông dân áp dụng phương pháp tưới “ nông, lộ, phơi” để tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước; Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI; Tiếp tục thực hiện chương trình phát động của Bộ Nông nghiệp và PTNT về giảm lượng giống gieo sạ: Lúa thuần: 80-100 kg/ha; Lúa lai: 30-40 kg/ha. Bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
- Tranh thủ nguồn nước để tưới đủ cho 3 lần bón phân và thời kỳ trỗ.
- Tăng cường sử dụng phân chuồng, các loại phân hữu cơ để cải tạo đồng ruộng và khuyến cáo nông dân bón phân vừa đủ, cân đối, dùng bảng so màu lá lúa để bón đạm.
- Hướng dẫn nông dân tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM, khuyến cáo sử dụng thuốc sinh học và hạn chế phun thuốc BVTV sớm (từ khi gieo đến 25 ngày tuổi). Chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố nắm chắc tình hình đồng ruộng và dự tính dự báo kịp thời quy luật phát sinh, phát triển các đối tượng dịch hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ trĩ, bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen, chuột hại,... có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.
- Sau cấy hoặc gieo sạ từ 10-12 ngày, cần tranh thủ làm cỏ, sục bùn kết hợp bón thúc phân sớm để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tập trung, hạn chế sâu bệnh.
- Giảm dần diện tích trồng lúa rẫy cho năng suất thấp, làm xói mòn đất và rửa trôi dinh dưỡng trong đất.
- Đối với vùng bán ngập lòng hồ Ya Ly, Plei Krông nên tranh thủ gieo trồng sớm khi nước bắt đầu rút và chấm dứt thời vụ gieo trồng trước ngày 15/5. Cần theo dõi chặt chẽ thời gian tích nước của nhà máy (thông thường vào ngày 31/8 hàng năm) và bố trí gieo trồng đúng thời vụ để hạn chế những rủi ro do không thu hoạch kịp.
3.2. Đối với cây sắn
- Những diện tích đã trồng sắn nhiều năm, đất bạc màu cho năng suất thấp cần khuyến cáo và hỗ trợ nông dân bón phân, tưới nước trong 2-3 tháng đầu sau khi trồng hoặc trồng xen cây họ đậu cải tạo đất (đậu tương, đậu xanh, đậu đen, muồng hoa vàng, cây lạc dại,…) để đảm bảo canh tác sắn bền vững và có hiệu quả.
- Sử dụng nguồn giống sạch bệnh để trồng; không vận chuyển hom giống từ vùng sắn bị bệnh chổi rồng đến các vùng trồng mới.
- Trước khi trồng mới cần vệ sinh đồng ruộng và triệt để tiêu hủy nguồn cây sắn bị bệnh chổi rồng ở vụ trước trên đồng ruộng và trong quá trình chăm sóc nếu cây sắn mới trồng đã có biểu hiện triệu chứng của bệnh chổi rồng thì phải nhỏ bỏ và tiêu hủy.
3.3. Đối với một số cây lâu năm
- Trồng mới: Cần chuẩn bị đất kỹ như phát dọn thực bì, tàn dư thực vật cây trồng vụ trước để hạn chế mối phá hoại; đào hố kết hợp bón lót phân chuồng hoai, phân hữu cơ, phân lân trước khi trồng một tháng; trên đất có độ dốc lớn cần thiết kế hàng trồng theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn, thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch. Đối với cây cao su, sử dụng cây giống bầu đặt hạt hoặc cây bầu có tầng lá ổn định để trồng mới nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản của vườn cây.
- Đối với cao su, cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản: Tiến hành trồng dặm kịp thời trong năm đầu kiến thiết cơ bản bằng cây giống cao su bầu có 3 tầng lá trở lên; trồng xen một số cây ngắn ngày trong thời kỳ kiến thiết cơ bản khi cây chưa khép tán như lúa cạn, ngô và một số cây họ đậu (đậu tương, đậu đen, đậu xanh, lạc dại,..) để tăng thu nhập, cải tạo đất.
Nguồn: Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Kon Tum