“Đúng và đủ” trong điều trị kháng sinh: nguyên tắc đơn giản nhưng không phải ai cũng biết

           Không chỉ là quốc gia có tỉ lệ bệnh nhiễm trùng cao, Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh (KKS) ở mức báo động so với thế giới, gây nhiều cản trở cho việc điều trị lẫn làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của thế hệ tương lai. Để kháng sinh phát huy tác dụng như ý nghĩa vốn có, quan trọng nhất là phải tuân thủ chặt chẽ 2 nguyên tắc: Đúng và Đủ.

Nguyên tắc quan trọng được chuyên gia y tế khuyến cáo

Tình trạng mua bán và sử dụng kháng sinh tràn lan là một trong những tác nhân chính dẫn đến KKS. Từ thói quen sử dụng vô tội vạ từng bị “lên án” nhiều đã đành, đến kiến thức “lệch chuẩn” của nhân viên nhà thuốc cũng góp phần làm thực trạng KKS ngày càng xấu đi. Theo một nghiên cứu về tình hình bán kháng sinh tại các nhà thuốc Việt Nam được đăng tải trên PubMed - Cổng thông tin ngành Y của Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ, khi chỉ mới nghi ngờ nhiễm trùng, nhiều người bán thuốc hay dược sĩ đã vội kê đơn kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi người cần ý thức và nâng cao hiểu biết về nguyên tắc điều trị bằng kháng sinh.

             Có nhiều nguyên tắc sử dụng kháng sinh, tuy nhiên hai nguyên tắc quan trọng nhất được nhiều chuyên gia y tế khuyên dùng để kháng sinh phát huy tác dụng như một loại vũ khí hữu hiệu, đó là Đúng và Đủ.

Đúng là sử dụng đúng thuốc cho đúng bệnh. Chỉ nên dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn, thay vì vội vã “cầu viện” kháng sinh cho những triệu chứng nhiều khả năng do virut gây ra như ho, cảm, sổ mũi… Muốn biết người bệnh có bị nhiễm khuẩn hay không, tốt nhất là đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để có kết luận chính xác nhất. Mỗi loại vi khuẩn lại nhạy cảm với một loại kháng sinh riêng. Vì vậy, lựa chọn kháng sinh thích hợp cần phải dựa vào loại vi khuẩn gây bệnh, kháng sinh đưa vào cơ thể phải có khả năng phân bố nồng độ cao tại vị trí nhiễm khuẩn.

Đủ là về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Đặc tính của người bệnh như lứa tuổi, cân nặng, tiền sử dị ứng thuốc, chức năng gan - thận… là rất quan trọng bởi chúng quyết định liều lượng và thời gian dùng thuốc kháng sinh. Tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự phối hợp nhiều loại kháng sinh, không tự tiện tăng hay giảm liều. Một đợt điều trị bằng kháng sinh thông thường kéo dài 5 - 10 ngày để tiêu diệt triệt để vi khuẩn. Tình trạng dùng thuốc một vài ngày, chưa hết liều nhưng thấy có dấu hiệu thuyên giảm liền tự ý giảm hoặc thậm chí ngưng dùng thuốc sẽ làm bệnh nặng hơn đi kèm áp lực chi phí cao hơn trong đợt điều trị sau đó, và gây ra kháng thuốc là hậu quả lâu dài đáng ngại nhất.

Tất cả mọi loại kháng sinh đều có thể gây ra tác dụng không mong muốn, tuỳ theo từng loại kháng sinh, trong đó các tác dụng phụ dễ gặp như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, sạm da… Cần theo dõi sát sao các phản ứng của cơ thể lẫn các biến chứng, tai biến do độc tính của thuốc kháng sinh để bác sĩ can thiệp kịp thời. Một trong những lời khuyên để hạn chế các tai biến do độc tính của thuốc kháng sinh là chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định và đơn thuốc của bác sĩ. Bởi khi có chỉ định của bác sĩ, với bằng chứng rõ ràng về vi khuẩn và kết quả của kháng sinh đồ, kháng sinh được chọn là loại thuốc có hiệu quả cao nhất với độc tính thấp nhất cùng phổ tác dụng hẹp nhất gần với các tác nhân gây bệnh được phát hiện.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn là cách vi khuẩn làm mất đi tác dụng của thuốc kháng sinh. Ba cơ chế chính là làm hạn chế việc xâm nhập của các kháng sinh vào bên trong tế bào vi khuẩn, tiết men để phá hủy các kháng sinh, và thay đổi các đích đến khiến kháng sinh trở nên vô tác dụng. Sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn và thời gian kháng thuốc sẽ bị rút ngắn.”.

Bên cạnh nguyên tắc sử dụng kháng sinh, BS Hải Ninh cũng nhấn mạnh, phòng bệnh cần được ưu tiên hơn chữa bệnh bằng những biện pháp nâng cao sức đề kháng, đặc biệt là với trẻ nhỏ như rửa tay và tắm với xà phòng diệt khuẩn, tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ăn chín uống sôi…

           Đây cũng là nội dung nằm trong chương trình “Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn” do Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế và Quỹ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Lifebuoy phối hợp thực hiện nhằm thay đổi, cải thiện nhận thức về cách thức sử dụng kháng sinh, đẩy lùi tình trạng KKS ngày càng cấp thiết ở Việt Nam.

 

Các tin, bài khác