Báo cáo chuyên đề “Net Zero, tín chỉ carbon, giảm phát thải”

Ngày 22/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức buổi Báo cáo Chuyên đề Net Zero, tín chỉ carbon, giảm phát thải và khả năng áp dụng tại Việt Nam”.

Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh phát biểu khai mạc

Theo đánh giá, Việt Nam có lợi thế rất lớn với trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, có điều kiện thuận lợi cho chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, hiện thực hóa cam kết Net-Zero thông qua việc xây dựng các dự án tín chỉ carbon. Cùng với việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, Việt Nam đang dần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm đáp ứng các điều kiện để kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàng, Nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại Hội nghị

Tín chỉ carbon là chứng chỉ thể hiện quyền phát thải một tấn khí thải nhà kính vào bầu khí quyển. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn khí CO2 hay lượng phát thải khí nhà kính tương đương với một tấn khí CO2. Tín chỉ carbon được phát hành để giao dịch thương mại, có thể mua bán, chuyển nhượng. Giá trị một tín chỉ carbon phụ thuộc vào giá trị giao dịch trên thị trường. Mục tiêu tạo ra tín chỉ carbon là để giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí phát thải nhà kính khác, nhằm giảm hiện tượng nóng lên của trái đất và giảm ô nhiễm môi trường sống.

Tại tỉnh Kon Tum, năm 2018 đã triển khai Dự án REDD+ tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, với mục tiêu chống mất rừng và suy thoái rừng trên diện tích khoảng 1.200 ha, kết hợp trồng rừng hơn 100 ha diện tích đất rừng bị suy thoái. Đây là một hợp phần của Dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai” (gọi tắt là dự án KfW10). Dự án được KfW10 hỗ trợ tài chính, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật là Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) có vai trò điều phối và thúc đẩy dự án, thay mặt cho cộng đồng thực hiện bán tín chỉ carbon.

Hiện tỉnh Kon Tum có hơn 616.123 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 552.287 ha, rừng trồng là 63.836,09 ha nếu tính đầy đủ theo phương pháp tính của Cục lâm nghiệp, mỗi năm Kon Tum có khoảng 2 triệu tấn carbon đưa ra thị trường và có thể thu về hơn 10 triệu USD”.

Quang cảnh Hội nghị

Với diện tích rừng phủ rộng lớn và đa dạng sinh học phong phú, Kon Tum đang từng bước thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ môi trường bằng nhiều chương trình và dự án bảo tồn rừng, phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái. Tín chỉ carbon là một công cụ hữu hiệu giúp đánh giá và quản lý lượng khí thải carbon mà một tổ chức hoặc cá nhân sinh ra trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Bằng cách áp dụng hệ thống này, không chỉ giúp giảm thiểu lượng khí thải mà còn tạo ra nguồn tài chính từ việc bán tín chỉ carbon để tái đầu tư vào các dự án bảo tồn và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.

Các tin, bài khác