Chuyên gia cảnh báo lý do không ngờ khiến tủ lạnh có thể phát nổ
             Tủ lạnh là đồ dùng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ai cũng nghĩ tủ lạnh khá an toàn nhưng theo chuyên gia điện tử, tủ lạnh cũng có thể phát nổ. Do đó, ngoài vấn đề chất lượng, việc sử dụng tủ lạnh thế nào cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

 

Theo các chuyên gia điện lạnh, một trong những nguyên nhân khiến tủ lạnh phát nổ là do sai lầm trong quá trình sử dụng. Bởi, đa số mọi người thường nghĩ rằng tủ lạnh là thiết bị vô hại trong nhà nên thường coi nhẹ mọi cảnh báo của nhà sản xuất. Việc đặt tủ lạnh ở bất cứ đâu nếu thấy tiện lợi hay vô tư bảo quản bất kỳ thực phẩm, nước uống nào cũng có thể trở thành những nguy cơ.

Liên tiếp các vụ tủ lạnh phát nổ

Vào tháng 6/2017, chiếc tủ lạnh của gia đình chị Phùng Thu Huế ở Khu đô Thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) bỗng dưng phát nổ khiến cả nhà hốt hoảng.

Chị Huế cho biết, tủ lạnh nhà chị là loại 3 cánh. Đây là loại tủ của hãng điện lạnh nổi tiếng Nhật Bản, chị mua ở siêu thị gần nhà từ tháng 3/2016 với giá 57 triệu đồng. Lúc tủ lạnh bị nổ và vỡ kính ở mặt ngoài cánh tủ, bên trong không chứa quá nhiều đồ, đặc biệt cánh tủ lạnh còn trống, không có gì.

Một trường hợp tương tự cũng xảy ra như gia đình chị Huế. Theo đó, ngày 27/5/2017 khi ông Lễ và vợ là bà Nguyễn Thị Minh Khai, Phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM dậy sớm để nhóm bếp nấu cơm, một tiếng nổ lớn phát ra từ phía tủ lạnh hất văng vợ chồng ông vào tường khi hộp quẹt lửa vừa bật. Con gái ông Lễ kể lại, sau tiếng nổ lớn phát ra khiến cửa tủ lạnh bật tung, vỡ nát rồi phát hỏa dữ dội. La phông ở trần nhà bị thổi tốc lên, các cửa kính cũng vỡ nát. Sự cố khiến cả nhà hoảng loạn. Rất may bố mẹ chị chỉ bị thương nhẹ.

Tháng 11/2013, một biệt thự ba tầng ở Pháp Vân, Hà Nội cũng bất ngờ bốc cháy và nguyên nhân được xác định là nổ bình gas tủ lạnh.

Tương tự, vào cuối năm 2009, một chiếc tủ lạnh tại nhà bếp căn hộ C5/37 ở xã Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) cũng bất ngờ nổ làm rung chuyển cả khu vực, khiến một người nhập viện. Người dân sống xung quanh cũng cảm thấy bất an vì tủ lạnh đang là món đồ thông dụng trong gia đình.

Cách sử dụng tủ lạnh an toàn

Theo phân tích của lực lượng phòng cháy chữa cháy, một trong những nguy cơ cháy nổ tủ lạnh thường xảy ra là do sử dụng tủ lạnh quá cũ, bị sửa chữa, thay gas nhiều lần. Ngoài ra, do máy nén là dạng kín nên các cuộn dây điện có thể bị chập gây ra tia lửa điện và làm gas bắt lửa, vào mùa hè do nhiều yếu tố dẫn đến điện yếu như dùng cùng lúc nhiều thiết bị điện, đường dây chịu tải không đảm bảo.

Thông thường, cấu tạo tủ lạnh gia đình gồm dàn lạnh, dàn nóng, bình gas, máy nén, các ống dẫn. Gas tủ lạnh về nguyên tắc rất an toàn, không độc hại, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người dùng mắc những sai lầm như để đồ ăn nóng trong tủ lạnh, bảo quản quá nhiều thực phẩm làm ảnh hưởng đến năng suất lạnh.

Nhiều gia đình còn đặt tủ lạnh ở những nơi sinh nhiệt như gần bếp, lò vi sóng, để sát vào tường dễ làm nóng tủ lạnh, ảnh hưởng tới chất lượng của tủ. Thậm chí, đường điện đấu nối với tủ lạnh gần các vật dễ cháy khác như rèm cửa, đệm, thảm làm tăng nguy cơ mất an toàn.

Nói về sự cố tủ lạnh phát nổ, anh Nguyễn Văn Luân, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn cho biết, sự cố chập cháy ở các thiết bị điện tử rất dễ xảy ra bởi nhu cầu sử dụng của nhiều gia đình hiện khá lớn dẫn tới quá tải. Nguy cơ cháy nổ tủ lạnh còn có thể xảy ra nếu để đọng nước trong tủ gây chập điện hoặc quá trình sửa chữa để rò rỉ điện. Dòng điện phù hợp với tủ lạnh là từ 200 - 250V AC (xoay chiều) trở lên.

Do đó, nếu thấy dấu hiệu bất thường cần ngắt điện ngay lập tức, gọi nhân viên chuyên sửa chữa tới để tìm nguyên nhân và có cách khắc phục. 

Bắt buộc dán nhãn năng lượng cho các loại tủ lạnh, tủ đông

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), căn cứ Quyết định số 1133/QĐ-BCT ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Công Thương về việc công bố tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng áp dụng cho Chương trình dán nhãn năng lượng, Bộ Công Thương đưa ra thông báo để Doanh nghiệp tiến hành thử nghiệm và đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm Tủ lạnh (Tủ mát, Tủ lạnh và Tủ đông) theo TCVN 7828:2016 Tủ mát, Tủ lạnh và Tủ đông - Hiệu suất năng lượng, TCVN 7829:2016 Tủ mát, Tủ lạnh và Tủ đông- Phương pháp xác định Hiệu suất năng lượng; trước thời điểm bắt buộc áp dụng 15 tháng.

Theo đó, từ thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2018, Doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký công bố dán nhãn năng lượng cho sản phẩm tủ lạnh, tủ kết đông lạnh sẽ phải căn cứ Phiếu thử nghiệm đánh giá theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7828:2016, TCVN 7829:2016. Đối với các Phiếu thử nghiệm đánh giá theo TCVN 7828:2013, TCVN 7829:2013 được coi là không hợp lệ.

Bên cạnh đó, các sản phẩm tủ lạnh, tủ đông đã được dán nhãn theo tiêu chuẩn cũ Doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, nhập khẩu sau ngày 01 tháng 7 năm 2018 sẽ phải tiến hành thử nghiệm, đăng ký công bố nhãn năng lượng lại và dán nhãn năng lượng theo thông số hiệu suất năng lượng mới.

Mẫu nhãn và quy cách ghi thông tin trên nhãn theo hướng dẫn tại Phụ lục 2, Thông tư số 36/2016/TT-BCT; Doanh nghiệp lưu ý các thông tin về cấp sao năng lượng, mức hiệu suất năng lượng, thông tin về TCVN áp dụng hiển thị trên nhãn năng lượng mới.

Đối với các chủng loại sản phẩm tủ lạnh đã dán nhãn năng lượng theo tiêu chuẩn cũ là hàng hóa tồn kho, sản phẩm đã bán ra thị trường trước thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2018, Bộ Công Thương đề nghị Doanh nghiệp báo cáo số lượng, tình hình thực hiện dãn nhãn năng lượng theo mẫu tại Phụ lục 3, Thông tư số 36/2016/TT-BCT và gửi kế hoạch về biện pháp xử lý để đảm bảo việc tuân thủ quy định về nhãn năng lượng được nhất quán.

Các tin, bài khác