Một số điểm mới cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Ngày 20/6/2017, tại kỳ hợp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) với tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về công tác TGPL.
Đây là một trong những Luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm đảo đảm thi hành nghiêm túc Hiến pháp 2013. Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và thay thế Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 với nhiều nội dung nhằm tạo khuôn khổ pháp lý có sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người “yếu thế” trong xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý hiện tại.
Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có 8 chương, 48 điều, so với Luật Trợ giúp pháp lý 2006 thì có một số điểm mới cơ bản như sau:
Thứ nhất, lần đầu tiên có sự phân biệt TGPL do Nhà nước tổ chức thực hiện và dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội.
Theo đó, hoạt động TGPL do Nhà nước tổ chức thực hiện cần tuân theo các quy định của Luật TGPL (sửa đổi) về đối tượng được TGPL, tổ chức, cá nhân thực hiện TGPL, hình thức, lĩnh vực TGPL…Các tổ chức, cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý cần bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Việc tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật được thực hiện thông qua cơ chế ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
Luật TGPL (sửa đổi) không điều chỉnh việc cung cấp dịch vụ pháp lý thiện nguyện của xã hội (theo Luật Luật sư, theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật).
Thứ hai, mở rộng diện được TGPL theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất hoạt động TGPL và điều kiện đặc thù của đất nước.
Nếu Luật TGPL 2006 chỉ có 6 nhóm diện người được TGPL thì Luật TGPL (sửa đổi) năm 2017 đã mở rộng hơn nhiều với 14 nhóm diện người được TGPL. Theo đó, kế thừa Luật TGPL 2006 với 02 diện người được TGPL ( người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng) và mở rộng 02 diện người (trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em và người dân tộc thiểu số “thường trú” thành “cư trú” tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; bổ sung 02 nhóm người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và người bị buộc tội thành hộ cận nghèo; quy định mới trong việc áp dụng điều kiện khó khăn về tài chính đối với 08 nhóm người. Cụ thể, người thuộc diện được TGPL gồm: Người có công với cách mạng; Người thuộc hộ nghèo; Trẻ em; Người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; nạn nhân của hành vi mua bán người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; người nhiễm chất độc da cam/dioxin; người nhiễm HIV/AIDS.
Thứ ba, bổ sung quy định về nguồn tài chính cho công tác TGPL
Đây là điểm mới quan trong, khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo cho người thuộc diện được TGPL được giúp đỡ pháp lý, được thực thi quyền của mình khi có nhu cầu cần TGPL trong các vụ việc cụ thể . Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) khẳng định trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí hàng năm “Kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước”. Thêm vào đó, đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, Luật Trợ giúp pháp lý còn có quy định ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung ngân sách hàng năm của Trung ương để hỗ trợ việc thực hiện vụ việc phức tạp, điển hình.
Thứ tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Luật TGPL (sửa đổi) đã chuẩn hóa, nâng cao tiêu chuẩn đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý như luật sư, bổ sung tiêu chuẩn phải trải qua tập sự nghề tương tự như tập sự luật sư, nhằm giúp TGVPL có thời gian trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Luật cũng huy động các tổ chức tham gia TGPL (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật) ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp khi có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định để tham gia TGPL bằng nguồn kinh phí của Nhà nước hoặc bằng nguồn lực của chính tổ chức.
Chế định cộng tác viên TGPL được kế thừa trên cơ sở có chọn lọc những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về pháp luật, có kinh nghiệm và thời gian để bảo đảm tham gia công tác trợ giúp pháp lý một cách thực chất, có hiệu quả.
Thứ năm, nâng cao vai trò của Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở địa phương.
Luật TGPL (sửa đổi) quy định; giao cho Sở Tư pháp thẩm quyền quan trọng, đó là thông qua việc quản lý, đánh giá hoạt động của Trung tâm TGPL NN và nắm bắt nhu cầu TGPL tại địa phương để lựa chọn các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có nguyện vọng, có đủ điều kiện để quyết định việc ký hợp động thực hiện TGPL.
Thứ sáu, sắp xếp, tinh gọn các Chi nhánh TGPL nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Từ tổng kết thực tiễn thi hành Luật TGPL năm 2006, nhằm bảo đảm phù hợp với chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật TGPL (sửa đổi) quy định Chi nhánh TGPL không phải là thiết chế “cứng” của Trung tâm TGPL NN. Chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập mới Chi nhánh. Chi nhánh chỉ được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý.
Đối với những Chi nhánh đã thành lập, yêu cầu UBND cấp tỉnh trong 01 năm kể từ khi Luật TGPL (sửa đổi) có hiệu lực phải thực hiện rà soát, sắp xếp lại, sáp nhập hoặc giải thể các Chi nhánh đã được thành lập, bảo đảm hiệu quả hoạt động.
Thứ bảy, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Luật TGPL (sửa đổi) không chỉ quy định về quản lý nhà nước như Luật TGPL 2006 mà còn quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác nhằm tăng cường cơ chế phối hợp để đảm bảo quyền được TGPL. Đặc biệt, Luật TGPL (sửa đổi) quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác TGPL, thông qua quy định rõ: trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, đồng thời quy định thời hạn cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm TGPL về yêu cầu TGPLcủa bị can, bị cáo, người bị hại là người được TGPL.
Thứ tám, bổ sung các quy định mới về trình tự thực hiện TGPL tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người được TGPL
Luật TGPL (sửa đổi) có nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL như: gửi đơn yêu cầu qua hình thức điện tử, fax; việc yêu cầu TGPL có thể do các tổ chức, cá nhân khác thực hiện; thụ lý giải quyết ngay khi người yêu cầu TGPL chưa có thẻ cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện TGPL ngay…
Các tin, bài khác