Khoảng 2,4 triệu người ở châu Âu, Bắc Mỹ và Úc sẽ thiệt mạng do kháng kháng sinh trong vòng 30 năm tới, ước tính trong báo cáo mới của OECD cho thấy.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo rằng nhiễm trùng siêu khuẩn sẽ lấy đi mạng sống của khoảng 2,4 triệu người ở châu Âu, Bắc Mỹ và Úc vào năm 2050. Trong đó bao gồm khoảng 1,3 triệu ca tử vong ở châu Âu. Cảnh báo này cho thấy các nước cần có hành động để hạn chế siêu vi khuẩn kháng thuốc.
Cụ thể hơn, báo cáo ước tính rằng 90.045 người Anh sẽ chết trong vòng 30 năm tới do siêu khuẩn kháng kháng sinh.
Sử dụng tràn lan kháng sinh làm mức độ kháng thuốc tăng nhanh.
Nguồn ảnh: Telegraph.
Các biện pháp đơn giản như rửa tay và thận trọng hơn trong việc kê toa thuốc kháng sinh có thể hạn chế được tình trạng này, các tác giả của báo cáo cho biết.
Giữ vệ sinh tốt hơn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh và xét nghiệm nhanh chóng, chính xác cho bệnh nhân để đảm bảo họ đang dùng đúng loại thuốc, v.v... là các biện pháp có thể khắc phục được mối đe dọa kháng kháng sinh, OECD cũng cho biết. Ba trong bốn trường hợp tử vong có thể được ngăn chặn bằng cách chi chỉ hai đô la Mỹ (£1,50) một người mỗi năm, theo tính toán của OECD.
Một khoản đầu tư ngắn hạn sẽ là sự tiết kiệm về dài hạn, họ nói thêm. Đối phó với các biến chứng kháng kháng sinh có thể tiêu tốn trung bình 3,5 tỷ đô la Mỹ mỗi năm ở 33 quốc gia được phân tích trong báo cáo.
Kháng kháng sinh đang ở mức cao và dự kiến sẽ tăng nhanh hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Báo cáo cảnh báo rằng Nam Âu có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất, với Ý, Hy Lạp và Bồ Đào Nha được dự báo sẽ đứng đầu danh sách các nước OECD có tỷ lệ tử vong cao nhất do kháng kháng sinh.
Báo cáo cho biết thêm mức kháng với kháng sinh thế hệ thứ hai và thứ ba - các loại kháng sinh được sử dụng dự phòng khi kháng sinh phổ biến không hoạt động - cũng sẽ tăng cao trong những thập kỷ tới.
Báo cáo được đưa ra sau khi các quan chức y tế ở Anh phát động một chiến dịch nhằm ngăn chặn mọi người mua và sử dụng kháng sinh khi họ không thực sự cần. Tổ chức Y tế công cộng Anh cho biết thuốc kháng sinh là cần thiết trong điều trị nhiễm khuẩn nghiêm trọng, nhưng thực tế thuốc thường được sử dụng để điều trị ho, đau cổ họng và đau tai, những bệnh có thể khỏi mà không cần dùng kháng sinh.
Chiến dịch mới nhất của tổ chức này nhắc nhở mọi người rằng nếu họ cảm thấy không khỏe thì "thuốc kháng sinh không phải lúc nào cũng cần thiết".
Tim Jinks, người đứng đầu chương trình về kháng thuốc của quỹ Wellcome Trust, cho biết: “Báo cáo mới của OECD cung cấp thông tin chi tiết quan trọng về các phương pháp giám sát, phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả, đơn giản có thể cứu sống nhiều người trên toàn cầu."
"Các siêu khuẩn kháng thuốc đang gia tăng trên toàn thế giới và là một mối đe dọa cơ bản đối với sức khỏe và phát triển toàn cầu. Báo cáo này cung cấp thêm bằng chứng rằng đầu tư để giải quyết vấn đề này ngay bây giờ sẽ cứu sống nhiều người và mang lại hiệu quả kinh tế lớn trong tương lai."