Đêm cuối ở làng Chốt, tôi không sao ngủ được, trong sâu thẳm tâm hồn cứ như có tiếng núi sông gọi mời, níu giữ. Chao ôi, chưa có vùng đất nào làm tôi vấn vương ngay từ khi chưa chia tay đến vậy"...
Tâm sự của anh Nguyễn Văn Sự - phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM), sau gần 10 ngày khảo sát về tiềm năng văn hóa, sinh kế gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Sa Thầy.
Đây là lần đầu tiên sau 40 năm từ khi thành lập huyện, một công trình nghiên cứu bài bản được tiến hành. Và, cũng là lần đầu tiên tôi được "nhìn Sa Thầy” lâu và rõ đến vậy, dù tôi là người Kon Tum!
Lúc chơi vơi ngắm gió mây, sông nước, rừng xanh, nhà cửa, xóm làng yên bình và vô số cánh chim chao liệng tự do giữa thinh không, rồi sự tĩnh lặng của tự nhiên... sao mà tạo trong ta một cảm xúc lâng lâng, rất mông lung và khó tả đến thế!
Trong khoảnh khắc ấy, tôi như thể được quay trở về nguồn cội mình. Núi non đã cuốn hút tôi bằng “hấp lực” của nghìn trùng của thiên nhiên vừa mê hoặc vừa mạnh mẽ, bao dung, khiến tôi như chơi vơi, không thể cưỡng lại.
Thác 7 tầng, điểm đến hấp dẫn ở huyện Sa Thầy
Dường như hôm ấy bình minh sớm hơn mọi ngày, mây nối đuôi nhau “lãng đãng rong chơi” rồi như “bất chợt làm duyên” soi bóng xuống mặt hồ thủy điện Ia Ly.
Ngồi trên nhà rông làng Rắc, nhìn ra lòng hồ Thủy điện Ia Ly đang mùa tích nước mênh mang, tôi và anh Sự rì rầm chia sẻ những hiểu biết của mình về tiềm năng du lịch ở huyện Sa Thầy.
Anh Nguyễn Văn Sự cho rằng, vùng đất này hội tụ những tiềm năng rất lớn về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa dân tộc mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum khó có thể có được.
Này nhé - anh hăng hái - nếu như Khu du lịch Măng Đen lấy những cảnh quan rừng núi, khí hậu trên vùng thượng nguồn sông Đăk Bla làm điểm tựa, thì Sa Thầy có Vườn quốc gia Chư Mom Ray, có sông Pô Kô, sông Sa Thầy; có sự giao hòa giữa các hệ sinh thái giữa các vườn quốc gia của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; có lòng hồ thủy điện Ia Ly, Plei Krông - lợi thế để phát triển du lịch sông nước.
Đặc biệt, Vườn quốc gia Chư Mom Ray rộng 56.000ha có sức hút mãnh liệt với những người thích khám phá và yêu thiên nhiên, là tiềm năng lớn cho các hoạt động du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Bởi Vườn quốc gia Chư Mom Ray chứa nguồn tài nguyên sinh học giàu có và đa dạng, gồm 12 kiểu rừng khác nhau, từ rừng kín nguyên sinh lá rộng thường xanh, rừng rêu thứ sinh, đồng cỏ..., với nhiều loại thực vật, động vật quý, sẽ là điểm đến không thể cưỡng lại của du khách khi đặt chân đến Kon Tum, nếu ta biết khai thác tiềm năng du lịch ở nơi này một cách hợp lý, bài bản và khoa học.
Và còn những thác nước... Ờ, mà nhờ anh mà tôi mới nhớ, ở Sa Thầy có rất nhiều thác nước, mỗi thác mỗi vẻ, thác nào cũng đẹp và đều gắn với một câu chuyện, một huyền thoại, một khung cảnh nào đó. Thác Khỉ (gần Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã của Vườn quốc gia Chư Mom Ray) trông như một Hoa Quả Sơn ngoài đời thực, bởi có nhiều khỉ, vượn thường xuyên đến tắm nắng trên các tảng đá, nô đùa và hái quả rừng - “một vùng hoa quả sơn kỳ thú” - anh Sự nhấn mạnh với vẻ thích thú.
Thác Nàng Tiên trên suối Đăk Tơ Nu (xã Sa Nhơn) đẹp lộng lẫy, nước chảy mượt mà như suối tóc của cô gái “mười tám, đôi mươi” từ trên cao xuống. Gần thác có động Hang Dơi với câu chuyện kiêng kị truyền trong dân gian rằng, nếu có một lời nói bậy, nói tục khi đi rừng thì sẽ không may mắn.
Rồi thác Nàng, thác Chàng và thác Bêrê Y trên suối Đăk Cha (xã Rờ Kơi) được phân theo bậc: thác Nàng ở thấp với dáng dấp một người mẹ đang tắm cho con, thác Chàng nằm cao hơn dội thẳng từ trên cao xuống ầm ào tung bọt trắng xóa như biểu hiện cho sức mạnh của người con trai, và trên xa kia, thác của Yàng (thác Bêrê Y) với một khoảng suối nước chảy hiền hòa và không ồn ào, truyền rằng là nơi Yàng tắm.
Đã có nhiều người không thể rời bước khi đến thác 7 tầng (xã Mô Rai). Thác đẹp đến mê hồn với những thềm đá xếp đều đặn từng lớp, nước chảy xiết và dòng nước ầm ào đổ xuống các thềm đá tung bọt trắng xóa. Phía trên đỉnh của thác là một khoảnh rừng cây xương rồng đủ lớn như một màng lọc nước cho con suối...
Trong kháng chiến chống Mỹ, Sa Thầy trở thành căn cứ chỉ huy của Mặt trận B3 từ rất sớm, với những chiến công vang dội. Vì vậy, nhắc đến Sa Thầy, chúng ta không thể không nhắc đến những chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trên các cứ điểm 995, 1015 và 1049...
Các điểm cao lịch sử 995, 1015 và 1049, đỉnh Chư Mom Ray hùng vĩ… tôi đã đi qua, tất cả đều mang một thứ tinh thần riêng biệt qua hình dáng, địa thế, hệ sinh thái, khiến bất cứ ai cũng đăm đắm thả dòng suy tư của mình theo từng gân đá khi dừng chân nơi đây. Những vết xước sương mù, nỗi thâm trầm rừng già và sự trầm mặc của núi đem lại những cảm xúc vượt qua tri nhận thuần túy. Đến nơi này con người chợt nhận ra mình nhỏ bé trước thiên nhiên và như có một điều gì đó rất linh thiêng. Tự tôi cảm nhận khi đặt chân đến những nơi vừa kể trên. Và, tôi chợt lan man nghĩ ngợi, có phải người xưa hay gọi “đất địa linh” là đây chăng?
Chiến tranh kết thúc, non sông đã nối liền một dải, các khu tưởng niệm được xây dựng ở nhiều nơi, như Khu tưởng niệm Chư Tan Kra; Khu tưởng niệm tại điểm cao 1015 (Ngọc Rinh Rua/Sarlie), Khu tưởng niệm tại điểm cao 1049 (Ngọc Bờ Biêng/Delta)... vừa là để thể hiện sự tri ân của Nhà nước đối với những người con đã hy sinh máu xương cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; vừa là điểm tìm về của mọi người dân Việt Nam để tưởng nhớ những người anh dũng hy sinh cho sự bình yên và hạnh phúc của dân tộc.
Vẫn còn rất nhiều di tích lịch sử khác, như Khu đại bản doanh của Mặt trận B3, Bệnh viện 21, những trạm xá tiền phương trên địa bàn các xã Sa Sơn, Rờ Kơi, Mô Rai…; những bến đò chở quân qua dòng sông Pô Kô, Sê San; những tuyến đường lịch sử, như đường 90 từ Lào về Việt Nam, đường 14C và Ngã Ba 88 kết nối các vùng chiến lược của quân ta trên địa bàn Kon Tum - Gia Lai... đã và đang hấp dẫn du khách viếng thăm và trải nghiệm.
Tôi từng năn nỉ A Vá, chàng thanh niên có nước da đen bóng và tiếng cười rổn rảng ở làng Rắc, cho tôi được ngồi trên chiếc thuyền được gò bằng tôn đi men bờ hồ thủy điện Ia Ly vòng qua làng vào một sáng cuối thu, đầu đông.
Ở vùng này đang là mùa sương. Ngồi trên thuyền mà mi mắt nặng, cảm giác rất rõ sương đang tụ thành nước gai gai trên da. Lòng hồ mênh mông, mờ mịt trong sương, cách nhau tầm tay với nhìn không rõ mặt. Nghe tiếng A Vá chuẩn bị đồ nghề đánh cá lịch kịch, tôi chợt ao ước, giá như có một tour du lịch sông nước thì hay biết mấy.
Tôi cam đoan rằng, nếu có tuyến du lịch lòng hồ Ya Ly qua các xã Sa Nghĩa, Sa Bình, Ya Xiêr, Ia Ly và Ya Tăng, thì đây sẽ là tuyến du lịch tương đối dài và hấp dẫn. Du khách sẽ hài lòng với nương rẫy, những bãi chăn thả, các bến bãi ven bờ và cuộc sống đời thường của cư dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số định cư ở nơi đây từ bao đời.
Xóm làng bình yên, con người mộc mạc, hiền hòa với sông nước mênh mông, nước trong xanh chảy lặng lờ và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào thiểu số sẽ là điểm đến để trải nghiệm, để khám phá của không ít du khách - một nét mới hấp dẫn trong việc tạo ra các tour du lịch hiện nay mà các công ty du lịch lữ hành ưu tiên lựa chọn, nhất là đối với du khách phương Tây.
Hãy thử tưởng tượng nhé. Trên tuyến du lịch lòng hồ, ta có thể dừng lại trên Khu di chỉ Lung Leng - được xác định là nơi cư trú của người Việt cổ cách đây hơn 4.000 năm; ghé chơi các bến đò, như bến Bình Long (gần di chỉ Lung Leng, xã Sa Bình), Bến đợi - làng chờ (xã Ya Ly)... Hoặc thăm các làng chài nằm ven hồ Ia Ly thưởng thức chả cá thác lác tươi roi rói, nhấm nháp ly rượu ngâm đinh lăng rừng thơm nức, rồi sau đó lót lòng tô cháo cá nóng hôi hổi, ngọt lừ…
Lòng hồ thủy điện Plei Krông đem lại tiềm năng phát triển du lịch sông nước cho
huyện Sa Thầy.
Sau khi thỏa thuê sông nước, ta có thể lên bờ, cắm trại nghỉ ngơi trong những cánh rừng bằng lăng phân bố dọc theo Quốc lộ 14C. Vào mùa khô, lá chuyển từ màu xanh sang màu đỏ và rụng, lớp lớp lá khô cuốn theo gió tạo nên cảnh đẹp của khu rừng “Trường Sơn ào ào lá đỏ”.
Trời tối, sương mù buông xuống dày hơn, lúc này chúng ta có thể tạm dừng “hành trình lang thang”. Ta có thể ghé vào bất cứ làng nào xin nghỉ lại. Sa Thầy có 74 làng thì có tới 34 làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hầu hết các làng đều sống ven các dãy núi như Ngọc Rinh Rua (Sarlie), Ngọc Bờ Biêng (Delta), xung quanh Vườn Quốc gia Chư Mom Ray và hồ thủy điện Ya Ly.
Đêm đêm, dưới mái nhà rông, bên đống lửa rừng rực cháy, mọi người hòa chung vòng xoang trong nhịp chiêng cồng. Nếu đến đúng dịp lễ hội (mùa xuân), ta sẽ được chung vui trong những lễ hội theo vòng đời người và theo mùa vụ cây trồng; mê mẩn nghe đàn ting ning thánh thót, đàn môi réo rắt, đàn tơ rưng, đinh pút dìu dặt, đàn đá trầm bổng; ngắm già làng đan gùi, chị và mẹ dệt thổ cẩm. Khi đã mệt, ta cùng thanh niên vít rượu ghè và ăn chuột rừng, cá suối...
Tất cả dệt nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu, hấp dẫn!