Tăng cường công tác PBGDPL góp phần giảm khiếu kiện phát sinh từ cơ sở

         Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, công tác này phải mang tính thường xuyên, liên tục đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, các ngành.

Ban Dân tộc Kon Tum tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ tại xã Ngọc Linh, Huyện Đăk Glei.

          Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực để triển khai phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân như: Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân”; Nghị quyết số 61/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về “Thực hiện Chỉ thị số 32”; năm 2012 Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Hàng năm, Ngành Tư pháp đã tích cực hướng dẫn các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường và nâng cao công tác PBGDPL, trong đó chú trọng PBGDPL đến các đối tượng chính sách, người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng xa, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, nhận thức của một bộ phận người dân được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật được đảm bảo...góp phần quan trọng cho hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương.

          Tuy nhiên, ở một số địa phương hiện nay, công tác PBGDPL vẫn chưa được quan tâm đúng mức hoặc tổ chức thực hiện còn mang tính hình thức; một số địa phương còn hiện tượng giao khoán trực tiếp cho cán bộ làm công tác tuyên truyền. Với khối lượng văn bản luật được ban hành ngày càng nhiều nên người dân không có điều kiện hoặc rất khó tiếp cận, đặc biệt là người dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, do đó tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật cũng là nguyên nhân căn bản của tình trạng khiếu kiện phát sinh, kéo dài, phức tạp ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. 

          Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần phải xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ trọng tâm, được ưu tiên thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Để thực hiện tốt công tác này cần chú trọng các giải pháp sau:

          Một là, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác PBGDPL. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, do vậy phải có sự quan tâm, chỉ đạo từ khâu xây dựng kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện để đưa công tác PBGDPL đi vào nề nếp.

          Hai là, các địa phương cần bố trí khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ cho các hoạt động PBGDPL để đảm bảo cho các hoạt động này đạt hiệu quả cao; tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến các hoạt động PBGDPL. Tập trung thực hiện tốt công tác sơ, tổng kết để đánh giá lại những việc đã làm được, đề ra phương hướng giải pháp và xác định nội dung tuyên truyền cho thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, kịp thời khen thưởng những tổ chức cá nhân làm tốt công tác PBGDPL; nhắc nhở những tổ chức, cá nhân thực hiện chưa đạt yêu cầu; kịp thời thay thế những cán bộ còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn hoặc không nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ.

          Ba là, tổ chức các hoạt động PBGDPL cho từng đối tượng cụ thể bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp nhiều loại hình tuyên truyền như: tổ chức hội nghị, sân khấu hóa, thi viết, phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa, tuyên truyền lưu động xuống tại các thôn, xóm,...; thực hiện tốt công tác hòa giải các tranh chấp nhỏ ngay tại cơ sở.

          Bốn là, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tuyên truyền, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật. Khuyến khích các tuyên truyền viên tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ cho công tác PBGDPL.

          Năm là, biên tập nội dung PBGDPL ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, cô đọng những nội dung hết sức cần thiết có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngôn từ diễn đạt phải dễ nghe, thu hút bằng những mẫu chuyện, tình huống cụ thể để người dân tiếp thu một cách nhanh nhất. Đặc biệt, sau buổi PBGDPL thì hướng dẫn người dân phải làm gì, không được làm gì...để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, người dân phải phổ biến lại những nội dung vừa nghe cho người thân trong gia đình và xung quanh cùng thực hiện.

          Có như vậy công tác PBGDPL ở cơ sở mới phát huy hiệu quả tốt, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giảm khiếu kiện phát sinh từ cơ sở./.

Các tin, bài khác