Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã nêu rõ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường phải: “tiếp tục hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa về pháp luật phục vụ trực tiếp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường theo phương châm kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Việc đưa pháp luật vào giảng dạy trong nhà trường phải được chọn lọc hợp lý, có hệ thống và bảo đảm hiệu quả thiết thực”.
Giáo viên Trường THCS Đăk Pét hướng dẫn học sinh lớp 6 làm quen với trường mới, bạn mới (Ảnh: QM)
Để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường cần phải coi trọng và xây dựng nhận thức đúng về vị trí, vai trò quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học; quán triệt quan điểm, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong nhà trường đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ văn hóa pháp lý cho công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kiện toàn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trong trường học.
Mặt khác, cần tạo cơ chế phối hợp giữa ngành tư pháp, ngành giáo dục và các ngành có liên quan trong giáo dục ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên; tạo điều kiện cho cán bộ làm nhiệm vụ pháp chế và báo cáo viên pháp luật, giáo viên dạy giáo dục công dân, pháp luật tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ phổ biến pháp luật. Đây chính là những nhân tố quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học.
Đồng thời, x ây dựng kế hoạch phối hợp, cơ chế làm việc, chế độ chính sách hợp lý, bảo đảm kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học; xây dựng kế hoạch phối hợp giữa chính quyền và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức; lồng ghép các hoạt động nhằm phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên. Đổi mới phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo tính tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu, nhận thức bằng nhiều hình thức khác nhau như hình thức sân khấu hóa trong việc tuyền tải thông tin, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến các văn bản Luật mới ban hành....Qua đó, hình thành ý thức tự giác, thói quen học tập nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, sống học tập và làm việc theo pháp luật trong học sinh.
Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, giới thiệu các quy định pháp luật thông qua hình thức tuyên truyền miệng, lựa chọn nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc giảng dạy chính khoá cũng như hoạt động ngoại khoá về giáo dục pháp luật
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong nhà trường theo hướng nâng cao tính chủ động, tích cực của sinh viên và tính thực tiễn trong bài giảng của giảng viên. Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên vào các môn học chính khoá và các hoạt động ngoại khoá trong chương trình giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng, là cái nôi, là môi trường tốt nhất cho sinh viên rèn luyện mình; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được tiến hành đồng bộ với việc tổ chức thực hiện pháp luật
Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra công tác PBGDPL tại các đơn vị trường học và các cơ sở giáo dục – xây dựng tiêu chí đánh giá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học, đánh giá công tác quản lý giáo dục của đơn vị đưa vào tiêu chuẩn bình xét thi đua giữa các trường.
Có như vậy, mới nâng cao được chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học hiện nay và những năm học tiếp theo.