Đồng bào các Dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đoàn kết xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển và giàu mạnh

             Cách đây 74 năm, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân Văn hóa thế giới, đã gửi bức thư đến Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số Miền Nam họp tại Plei Ku.

Bức thư Bác viết đó đến nay đã tròn 74 năm, mỗi lời dạy trong thư của Bác đã đi vào trong mỗi tiềm thức của con người chúng ta, nó đã gây xúc động bao lòng người, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Bức thư còn là một tình cảm sâu nặng của Bác đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Miền Nam nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói riêng. Mặc dù khi đó, Bác và Chính phủ đang tập trung lãnh đạo Nhân dân vượt qua bao thử thách, khó khăn; chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm nhằm để đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho Nhân dân, nhưng Bác đã không quên gửi thư đến Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Miền Nam.

Thấm nhuần tư tưởng lời dạy của Người, trong suốt 74 năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum luôn sống đoàn kết, gắn bó, góp phần lập nhiều thành tích to lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Sau ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh đã cùng nhau chung sức chung lòng, đoàn kết xây dựng lại cuộc sống mới và bảo vệ Tổ quốc trên quê hương của mình.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 53%, trình độ dân trí thấp, phương thức sản xuất canh tác lạc hậu, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính quyền ở địa phương và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc; trong những năm qua, nhất là sau hơn 30 năm đổi mới đất nước và gần 30 năm, ngày tái lập lại tỉnh (12/8/1991) đến nay, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được cải thiện và nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngày càng thay đổi rõ nét. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đồng bào tích cực hưởng ứng mạnh mẽ. Hầu hết bà con đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, từng bước thay thế các loại giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Các ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, chế biến rượu cần được phát triển đã tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận lao động ở địa phương. Với hướng đi thích hợp và cách làm đúng, với truyền thống yêu nước và cần cù lao động của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bà con các dân tộc ở các thôn, làng tỉnh Kon Tum đã nỗ lực phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho gia đình và làm giàu cho xã hội.

Qua phong trào phát triển kinh ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số, nhiều hộ gia đình biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu… Trong chăn nuôi, bà con đã biết áp dụng kỹ thuật vào việc chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, chăn nuôi có chuồng trại, biết tận dụng nguồn phân chuồng để chăm sóc cho cây trồng, số hộ khá giàu trong đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi công cộng được xây dựng, hệ thống giao thông được mở rộng, nâng cấp hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giao lưu buôn bán làm ăn và trao đổi hàng hoá của Nhân dân…

Để thực hiện tốt lời dạy của Bác năm xưa, hơn lúc nào hết, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đang ra sức phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tuyên truyền về chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao nhận thức, thắt chặt tình đoàn kết thành một khối thống nhất. Luôn đề cao cảnh giác cách mạng trước những âm mưu thâm độc của kẻ thù, không tin, không nghe lời của kẻ xấu xúi giục; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước, ra sức phấn đấu thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Củng cố và mở rộng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh ngày càng vững mạnh, góp phần cùng với Đảng bộ và chính quyền thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng lãnh đạo. Xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển và giàu mạnh trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước để đem lại lợi ích ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; một lòng, một dạ đi theo con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ đã lựa chọn./.

Các tin, bài khác