Nắng thì không muốn ai ra đường. Mưa thì xối xả. Các thành phố ngập úng kỷ lục, miền núi, trung du thì những trận lũ quét xảy ra thường xuyên hơn khiến cho chúng ta sống trong nơm nớp bất an. Gió thổi không hiu hiu nữa mà giữ dội, đột ngột khiến cây đổ ngả nghiêng và có những người thiếu may mắn đã phải…
Bấy lâu nay, đặc biệt là từ thời xa xưa, các cụ thường có câu “nắng mưa là việc của Trời”. Ẩn ý trong câu nói ấy - theo nghĩa đen hay nghĩa bóng gì không cần biết - là ông trời cho mưa lúc nào, cho nắng khi nào thì chúng ta cứ vậy mà hưởng, mà vận dụng vào cuộc sống hằng ngày, trong sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt…
Khí hậu thay đổi có phải do yếu tố tự nhiên?
Đấy là thời của các cụ. Vì khi ấy con người chúng ta chủ yếu sống ở nông thôn với ruộng vườn, canh tác, trồng trọt, sống có trách nhiệm (về mặt môi trường) nên những nông sản chủ yếu cung cấp cho những người trong vùng.
Còn ngày nay, con người càng ngày càng cố tiến lên thành phố, đô thị với mong muốn lập nghiệp, xây dựng sự nghiệp để phụ giúp cho con cháu sau này phát triển được tốt hơn.
Cũng vì thế mà nhu cầu tiêu dùng về những sản phẩm nông nghiệp, lương thực thực phẩm ngày càng tăng cao. Nếu canh tác theo phương thức truyền thống thì sẽ không thể cung cấp đủ thực phẩm cho hàng triệu người ở những thành phố.
Chính vì vậy mà những miền quê với những cánh rau sạch bạt ngàn giờ không còn nữa, thay vào đó là những khu trồng rau bị xén nhỏ, xen kẽ là những ngôi nhà khang trang.
Vậy là những khoảng vườn nhỏ vẫn được nông dân trồng rau nhưng bằng những phương pháp “tiên tiến cho thu hoạch rau quả rất nhanh trong thời gian ngắn nhất” bằng những loại hóa chất, thuốc kích thích.
Sử dụng các loại hóa chất, thuốc kích thích khiến không chỉ rau quả thiếu sự an toàn khi ăn mà những loại hóa chất này còn giải phóng vào khí quyển gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến khí hậu.
Ước tính mới của Tổ chức Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) về khí nhà kính cho thấy lượng khí thải từ nông nghiệp, lâm nghiệp, và thủy sản đã tăng gần gấp đôi trong vòng 50 năm qua và có thể tăng thêm 30% vào năm 2050.
Phát thải khí nhà kính như vậy đã làm đảo lộn bầu khí quyển khiến cho nắng mưa không đồng đều ở các vùng miền dẫn đến cuộc sống của chính chúng ta trở nên khó khăn hơn.
Có nơi không muốn mưa (hoặc trong thâm tâm chỉ muốn mưa vừa đủ) thì lại mưa lũ dữ dội trôi cả nhà cửa. Có nơi trông chờ những cơn mưa giải nhiệt, cứu cây trồng, động vật thì mãi chẳng thấy mưa tới.
Có lẽ dần dần chúng ta ngày càng nhận thấy rõ chuyện nắng mưa giờ đây đã có tác động tiêu cực từ chính bàn tay của con người.
Và khi biến đổi khí hậu ngày càng khiến thời tiết nắng nóng kéo dài nghiêm trọng thì nhiều quốc gia đã nghĩ tới việc tạo ra mưa nhằm đối phó với những đợt nắng nóng kéo dài, hạn hán, giảm ô nhiễm, v.v...
Các nhà khoa học cho biết, một trong những vấn đề lớn nhất đối với các chương trình gieo mây là xác định tính hiệu quả của nó.
Ngay cả với các kỹ thuật hiện đại ngày nay, chúng ta rất khó phân biệt hiện tượng mưa xảy ra theo quá trình tự nhiên hay do kỹ thuật gieo mây.
Câu hỏi luôn được đặt ra là nếu bạn không gieo mây thì trời có mưa hay không? Kỹ thuật gieo mây cũng có thể dẫn đến một số nguy cơ khác. Ví dụ, các hóa chất phun vào đám mây bay theo hướng gió. Vì vậy, những vùng đón gió nhận được mưa nhiều hơn. Trong khi đó, các khu vực khác sẽ nhận được lượng mưa ít hơn.
Chưa kể hóa chất bạc iodua (AgI) dùng để tạo mây là một loại hóa chất độc hại. Động vật tiếp xúc quá nhiều với AgI có thể gây nên tình trạng thiếu máu hoặc ngộ độc muối bạc. Do đó, nhiều người lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra khi phun hóa chất này vào trong không khí.
Như vậy, có thể nói, là lợi bất cập hại. Vì vậy các nước cần phải hành động và hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để giải quyết các vấn đề môi trường - yếu tố tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình biến đổi khí hậu trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển này.