Trẻ em cần được sống trong môi trường trong sạch

             Trẻ em cần được sống trong môi trường không khí trong sạch, được sử dụng nguồn nước sạch an toàn.

Gia tăng nạn đói do biến đổi khí hậu

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết biến đổi khí hậu đang trở thành nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng nạn đói trên thế giới. Nạn hạn hán và lũ lụt gia tăng làm giảm sút sản xuất lương thực, thế hệ trẻ em tương lai sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của nạn đói và suy dinh dưỡng.



Chúng ta đã và đang chứng kiến rõ ràng hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang gây ra thiên tai với cường độ thường xuyên hơn với khả năng tàn phá nặng nề hơn.

Ngày nay, hơn 500 triệu trẻ em sống tại những khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt. Gần 160 triệu trẻ em phải sống ở những khu vực hạn hán nghiêm trọng. Mặc dù có nhiều dự báo khác nhau, theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), số người di cư do môi trường sống dự kiến lên tới 200 triệu người đến năm 2050, có ước tính cho thấy lên tới 1 tỷ người.

Khi nhiệt độ tăng lên và nước trở nên khan hiếm, chính trẻ em là người sẽ cảm nhận rõ rệt tác động chết người của những bệnh tật lây lan liên quan đến nguồn nước nhiễm bẩn.

Thách thức nặng nề hơn bởi ô nhiễm không khí

Những thách thức càng thêm nặng nề bởi tác động của ô nhiễm không khí, chất thải độc hại và ô nhiễm nước ngầm đang tàn phá sức khỏe của trẻ em.

Năm 2017, khoảng 300 triệu trẻ em phải sống ở những nơi có mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời độc hại nhất - cao hơn gấp 6 lần hoặc cao hơn nữa so với các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần là nguyên nhân gây tử vong khoảng 600,000 trẻ em dưới 5 tuổi.

Còn nhiều trẻ em hơn sẽ gánh chịu sự hủy hoại lâu dài đến sự phát triển não bộ và phổi còn đang phát triển của mình.

Đến năm 2040, một trong bốn trẻ em sẽ phải sống ở những khu vực thiếu nước nghiêm trọng và hàng nghìn trẻ em sẽ mắc bệnh từ nguồn nước ô nhiễm.

Việc quản lý và bảo vệ nguồn cung nước ngầm sạch, dồi dào và dễ tiếp cận, cũng như việc quản lý rác thải nhựa nhanh chóng trở thành những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em trong thời đại của chúng ta.

Cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ: Giảm khí thải nhà kính

Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các chính phủ và khối doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ để giải quyết nguyên nhân gốc rễ bằng cách giảm khí thải nhà kính theo tinh thần Thỏa thuận Paris.

Đồng thời, chúng ta cần dành ưu tiên cao nhất cho những nỗ lực tìm cách thích ứng để giảm những tác động về môi trường đối với trẻ em.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) nỗ lực hạn chế tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như thiết kế các hệ thống nước có thể chống chịu được lốc xoáy và xâm nhập mặn; tăng cường cấu trúc của trường học và hỗ trợ diễn tập chuẩn bị ứng phó; và hỗ trợ các hệ thống y tế cộng đồng.

Những sáng kiến như Quản lý Dự trữ Tầng ngậm nước (MAR) - nếu được sử dụng trên quy mô lớn - có khả năng bảo toàn được nguồn nước sạch, bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi nguy cơ thiếu nước và bệnh tật.

Với những đầu tư cho giáo dục và công việc làm, cải thiện an ninh và công tác quản lý, chúng ta hoàn toàn có lý do để lạc quan về khả năng của khu vực này trong việc nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đảo ngược tình thế đối với vấn đề ô nhiễm không khí, các chính phủ và khối doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ để giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, phát triển các hệ thống nông nghiệp, công nghiệp, vận tải sạch hơn và đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Rất nhiều chính phủ đã hành động để hạn chế ô nhiễm từ các nhà máy năng lượng, khu công nghiệp và phương tiện giao thông đường bộ bằng cách đưa ra nhiều quy định khắt khe.

Một nghiên cứu năm 2011 của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cho thấy Đạo luật Không khí sạch năm 1990 của Hoa Kỳ đã đem lại cho người dân những lợi ích về sức khỏe giá trị 30 đô la Mỹ từ mỗi đồng đô la đã đầu tư.

Những chính sách như vậy đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ phổi và não bộ của trẻ em khỏi sự tàn phá của những chất gây ô nhiễm trong không khí và ô nhiễm bụi mịn.

Thời điểm này, chúng ta cần phải tìm ra các giải pháp có thể cải thiện những tác động tồi tệ nhất của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe của trẻ em.

Các chuyên gia đổi mới sáng tạo của UNICEF cùng với cộng đồng, chính phủ, giới nghiên cứu, và khu vực tư nhân đã bắt đầu thiết kế và thực hiện các giải pháp năng lượng hiệu quả thay thế cho năng lượng truyền thống mà các gia đình đang sử dụng nhằm giảm lượng tiêu thụ than đá và cải thiện chất lượng không khí, trong đó có việc thiết kế “Lều tròn của người Mông Cổ thế kỷ 21.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang nghiên cứu tìm giải pháp để tái chế và tái sử dụng nhựa một cách sáng tạo, giảm chất thải độc hại và biến rác thải thành những vật dụng hữu ích.

 https://moitruong.com.vn/moi-truong-cuoc-song/moi-truong-suc-khoe/tre-em-can-duoc-song-trong-moi-truong-trong-sach-21504.htm

Các tin, bài khác