Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, việc bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vừa là yêu cầu, vừa là đòi hỏi từ cuộc sống để nâng cao chất lượng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong những năm qua, việc xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đóng vai trò làm chủ nông thôn mới...
Tính đến nay, tỉnh ta có 28/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân 14,8 tiêu chí/xã. Diện mạo nông thôn, kinh tế nông thôn, đời sống vật chất và tinh người dân nông thôn được nâng lên một bước. Trong xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện tiêu chí môi trường cho thấy có nhiều sự cải thiện rõ nét, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về môi trường ngày một nâng lên, coi đây là một nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới.
Thấy được vai trò của tiêu chí môi trường và những tác động của môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đề dẫn tại Hội thảo Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, ông Đặng Thanh Long – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh những thành quả đạt được trong thời gian qua, việc thực hiện và giữ kết quả đạt được đối với tiêu chí môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trước hết, tiêu chí môi trường là tiêu chí kém bền vững. Bài học từ các địa phương cho thấy, nếu chỉ dừng lại (sau thời điểm công nhận) mà không tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, các kết quả đạt được sẽ tụt hậu rất nhanh.
Trồng sa nhân dưới tán rừng để bảo vệ rừng và phát triển sinh kế cho người dân xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy. Ảnh: VN
Từ những vấn đề đặt ra, ông Đặng Thanh Long lưu ý, cần phải củng cố kết quả thực hiện tiêu chí môi trường giai đoạn này, tiếp tục ban hành và triển khai thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực môi trường là hết sức cần thiết để định hướng cho các huyện, xã được công nhận tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới thường xuyên và bền vững.
Trong quá trình thực hiện tiêu chí môi trường, đại diện UBND huyện Sa Thầy nêu lên những mô hình hay, cách làm hiệu quả ở địa phương như: các chi hội phụ nữ ở các thôn, làng xây dựng phong trào tự quản về vệ sinh môi trường, cảnh quan tại khu dân cư thông qua thực hiện phong trào “5 không 3 sạch” của Hội LHPN huyện; Hội Cựu chiến binh, Huyện đoàn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ra quân làm vệ sinh môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới. Đặc biệt, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện bổ sung quy định bảo vệ cảnh quan môi trường vào quy ước, hương ước của khu dân cư; hoàn thiện hệ thống cống rãnh thoát nước; trồng cây xanh hai bên đường giao thông...
Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phối hợp với Hội Tư vấn phát triển Hà Nội (Code), Trung tâm Tư vấn quản lý bền vững và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á Hà Nội (Cirum), Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng Hà Nội (Cendi), UBND các huyện (Sa Thầy, Kon Plông, Tu Mơ Rông) triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ các cộng đồng thôn, làng đồng bào DTTS các xã vùng sâu trong việc giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng gắn với sinh kế, tập quán văn hóa truyền thống, bảo tồn phát triển các nghề truyền thống, xây dựng nông thôn mới, du lịch sinh thái, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Theo đó, đến nay, có 3.161 ha rừng được giao cho 19 cộng đồng quản lý, bảo vệ.
Đồng tình với những nội dung Hội thảo đề cập, ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho rằng, vấn đề ô nhiễm chất thải trong chăn nuôi, chế biến nông sản, các mô hình thu gom và xử lý chất thải chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức; tỷ lệ xã đạt tiêu chí môi trường còn thấp; nông thôn chưa thật sự sạch, chưa thực sự mát và chưa thật sự đẹp...
Trước yêu cầu đặt ra từ xây dựng nông thôn mới, ông Trần Văn Chương cho rằng, trong thời gian đến, phải đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường ở nông thôn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý rác tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh, đồng thời khuyến khích phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ, cấp thôn trong cộng đồng dân cư. Tiếp tục phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa, tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, cải tạo cảnh quan môi trường; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch đẹp làm tiền đề phát triển du lịch nông thôn; đồng thời đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng như làng nghề, bãi tập trung chôn lấp, xử lý rác, nước thải...
http://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/bao-ve-moi-truong-gan-voi-nong-thon-moi-18612.html