Hiệu quả từ hoạt động tư vấn phản biện và giao đất, giao rừng cho cộng đồng
Tính đến nay, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Kon Tum đã tham gia phản biện, giám định xã hội, góp ý kiến 12 dự thảo quyết định, quy hoạch, các chương trình, đề án lớn của tỉnh, đồng thời phối hợp hỗ trợ giao hơn 600ha rừng và đất rừng cho công đồng.

Góp ý dự thảo sửa đổi Luật bảo vệ phát triển rừng

Theo đó, đã tham gia phản biện, góp ý vào Quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN của tỉnh; Đồ án quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Bờ Y - Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển khu công nghiệp tỉnh đến năm 2020; Phản biện Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; tham gia ý kiến vào Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa XV của Tỉnh ủy. Đồng thời, phối hợp với Viện CODE, Trung tâm Cirum tư vấn phản biện Dự án tái định cư thủy điện Thượng Kon Tum, huyện Kon Plông; Góp ý tư vấn Phương án đền bù hỗ trợ dự án thủy điện Đăk Ring, huyện Kon Plông; Tư vấn phản biện sơ bộ về đánh giá tác động môi trường vùng hạ lưu thủy điện Thượng Kon Tum khi tích nước và chuyển dòng chảy; hỗ trợ giao hơn 600 ha rừng, đất rừng cho 9 làng dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện Kon Plông, Sa Thầy và Tu Mơ Rông. Hỗ trợ làm vườn ươm, cây giống để phục hồi rừng và tạo sinh kế rừng cho 5 cộng đồng làng. Hiên nay, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Kon Tum, Viện CODE, Trung tâm Cirum đang tiếp tục triển khai hỗ trợ phát triển mô hình cây dược liệu dưới tán rừng (trồng sâm ngọc linh, đương qui, sâm dây) cho cộng đồng làng Tu Mơ Rông và làng Đăk Chum 1, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông (khoảng 800 ha); trồng Sa nhân tím dưới tán rừng tự nhiên làng Bar gốc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy; phối hợp tổ chức giao đất giao rừng gắn với văn hóa truyền thống (rừng thiêng, rừng bảo vệ nguồn nước) cho 4 làng trên trên địa bàn xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà.

Vườn ươm cây giống tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy

 Theo đánh giá, hoạt động tư vấn phản biện của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã có đóng góp tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh của địa phương. Đối với công tác hỗ trợ giao đất, giao rừng cho cộng đồng, đã duy trì và phát huy có hiệu quả phong tục tập quán truyền thống về quản lý tài nguyên, đặc biệt là tổ chức các nghi lễ liên quan đến Thần nước (Lễ máng nước/Lễ Nước Dọt); phát huy văn hóa truyền thống gắn với rừng (Luật tục) của các dân tộc. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng, phục hồi rừng kết hợp phát triển sinh kế rừng.

Các tin, bài khác