Ngày 21/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và UBND huyện Đăk Tô tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Tô.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, các sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh; lãnh đạo các huyện Đăk Tô, Đăk Hà, Tu Mơ Rông và các chủ thể của các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay toàn tỉnh có 148 sản phẩm được công nhận OCop từ 3 sao trở lên, Trong đó: 01 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt 5 sao cấp quốc gia; 20 sản phẩm đạt 04 sao; 127 sản phẩm đạt 3 sao, huyện Đăk Tô có 11 sản phẩm được công nhận 3 sao cấp tỉnh.
Chủ trì Hội thảo
Đối với Huyện Đăk Tô việc triển khai chương trình OCOP, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư, tổ chức sản xuất để đưa ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị cao. Với việc được công nhận OCOP, các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đã từng bước “gắn sao” trong lòng người tiêu dùng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và bền vững.
Để các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP ở Kon Tum nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng được giữ gìn, bảo tồn và phát triển; tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo ra được nhiều sản phẩm OCOP có giá trị cao, đưa ra thị trường được người tiêu dùng lựa chọn..., tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân, góp phần đổi mới và phát triển kinh tế nông thôn.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện lãnh đạo các huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông chia sẻ những kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm OCOP và kế hoạch sản xuất trong những năm đến.
Ngoài ra, các chủ thể tham gia chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh trình bày một số nội dung như: OCOP - Giải pháp xây dựng, phát triển nông thôn mới hiệu quả và bền vững; OCOP - là đòn bẩy giúp phát triển sản phẩm độc đáo của địa phương cần nhân rộng và có chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo bước đột phá; thực tiễn về công tác phát triển sản phẩm, những kiến nghị và đề xuất.
Hội thảo cũng là dịp để tập hợp và gợi mở những vấn đề, giải pháp thu hút nhà đầu tư, các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện Đăk Tô.
Các đại biểu tham quan các gian trưng bày sản phẩm OCOP
Trong Hội thảo lần này, các đại đã trực tiếp tham quan các gian trưng bày sản phẩm đặc trưng, sảm phẩm OCOP của huyện Đăk Tô và của các địa phương trong tỉnh.