Mỗi lít xăng có thể phải "cõng" thêm 1.000 đồng thuế môi trường - từ mức 3.000 đồng lên 4.000 đồng - nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua từ ngày 1/7/2018.
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, Bộ này đề xuất tăng đồng loạt thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, như: Dầu diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng; Dầu mazut từ 900 đồng lên 2.000 đồng; Dầu nhờn từ 900 đồng lên 2.000 đồng; Mỡ nhờn từ 900 đồng lên 2.000 đồng. Đặc biệt, với xăng, mức đề xuất được đưa ra tăng kịch khung lên đến 4.000 đồng từ mức 3.000 đồng hiện tại.
Lý giải về đề xuất tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng do mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
Cụ thể, số thuế thu từ hai thị trường Trung Quốc và ASEAN đã giảm mạnh do nhập khẩu từ hai thị trường này chiếm tỷ lệ lớn trên 60%. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng nếu điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít sẽ làm giá bán xăng dầu tăng lên để tăng thu ngân sách.
Với phương án đề xuất điều chỉnh trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng một năm, tăng khoảng 15.684 tỉ đồng mỗi năm.
Theo Motthegioi, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2017 khoảng 150.810 tỉ đồng, bình quân khoảng 25.135 tỉ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48% - 4,27% trên tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 0,34% - 0,98% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm.
Số thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được cho là tăng mạnh qua từng năm. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết năm 2012 là 11.160 tỉ đồng; năm 2013 là 11.512 tỉ đồng; năm 2014 là 11.970 tỉ đồng; năm 2015 là 27.020 tỉ đồng ; năm 2016 là 44.323 tỉ đồng và năm 2017 khoảng 44.825 tỉ đồng. Bộ Tài chính dự kiến tăng biểu thuế bảo vệ môi trường theo dự thảo này từ ngày 1/7 tới.
Chưa hợp lý
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc tăng thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu hiện nay là chưa hợp lý, bởi vì xu hướng thế giới là thu đầu ra (không thu đầu vào), thuế phát sinh ở đâu thu ở đó.
Nếu thu ở đầu vào, sẽ thất thu thuế vì không kiểm soát được buôn lậu xăng dầu. Như vậy, vô tình làm buôn lậu xăng tăng, để hưởng chênh lệch, làm méo mó thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.
Đồng thời, thu thuế môi trường ở đầu vào còn làm tăng chi phí doanh nghiệp, khi doanh nghiệp phải chịu cả thuế cho phần sản phẩm tiêu hao và phải vay tiền trước để nộp thuế, chịu thêm lãi suất ngân hàng. Từ đó, các chi phí này được đưa vào giá xăng dầu, làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích người tiêu dùng.
Việc thu thuế tại khâu nhập khẩu cũng được ông Long cho là tạo bất cập cho triển khai Luật Ngân sách Nhà nước. Vì theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015, toàn bộ số thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu nhập khẩu sẽ thuộc nguồn thu ngân sách trung ương.
Trong khi số thu thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu trong nước được phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương. Trong vài năm tới, xăng dầu trong nước chỉ được sản xuất tại Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa), như vậy sẽ phân chia số thu về các địa phương khác thế nào? Đặc biệt, khi sản phẩm xăng dầu 2 nhà máy này sẽ đáp ứng tới xấp xỉ 90% nhu cầu trong nước.
Trong khi đó, một nghịch lý khác là từ ngày 1/1/2018 áp dụng các tiêu chuẩn về khí thải mới, với tiêu chuẩn khí thải Euro 4 thay mức Euro 2 hiện nay. Khi triển khai đề án này thì cần có chính sách ưu đãi thuế bảo vệ môi trường với từng loại xăng dầu khác nhau để khuyến khích người dân dùng các sản phẩm xăng dầu ít ảnh hưởng môi trường.
Cơ sở nào để tăng thuế bảo vệ môi trường?
Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM, trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ rằng việc Bộ Tài chính đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường tăng lên 4.000 đồng/lít, tương đương 25% giá 1 lít dầu là 16.000 đồng, là quá cao và quá nặng.
Và Bộ Tài chính đã không nói cụ thể mức thu này dựa trên cơ sở nào và liệu có đến mức số lượng khí thải từ 1 lít dầu được xử lý với giá 4.000 đồng?
Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do những chi phí khác như phí bảo trì đường bộ, phí BOT..., việc tăng phí môi trường là một gánh nặng cho doanh nghiệp bởi làm tăng giá cước vận tải.
Tôi cho rằng Bộ Tài chính cần thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trước khi ban hành thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, không nên áp đặt thu phí bằng mệnh lệnh hành chính.
Người tiêu dùng lãnh đủ
Ông Lê Thành Thảo, Phòng Pháp chế Công ty CP vận tải Quang Châu, cho rằng việc đề xuất tăng thuế xăng dầu mức kịch khung là không hợp lý. Như vậy, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải chịu thêm một chi phí không nhỏ. Giá thành vận chuyển sẽ tăng cao, tính cạnh tranh với các doanh nghiệp khác thấp dễ dẫn tới thua lỗ.
Khách hàng sử dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa cũng phải chịu thêm chi phí, bởi giá thành nhiên liệu chiếm 30-40% giá thành vận chuyển.
Theo tôi, Nhà nước cần xem xét giảm bớt thuế phí môi trường để tạo điều kiện phát triển vận tải hàng hóa. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp vận tải hoạt động đã chịu rất nhiều thuế phí gây chậm phát triển, thua lỗ.
Trong khi đó, hiệu quả cải thiện môi trường chưa rõ rệt. Nhà nước cũng cần xem xét, xây dựng các kế hoạch cải tạo môi trường sống.