Nhà khoa học biến rác thải thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng | |
Ngày đưa: 07/05/2019 08:47:48 AM | In bài |
Các loại chai, lọ, nilon… trong rác thải sinh hoạt tại đô thị và nông thôn sẽ được sản xuất thành phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng. Đây cũng là giải pháp tốt để hạn chế rác thải bảo vệ môi trường. Lễ trao giải cuộc thi Sáng chế năm 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội nhằm vinh danh 10 sáng chế xuất sắc, ứng dụng khả thi giúp cải thiện cuộc sống của người dân và góp phần phát triển kinh tế. Tác giả Trần Kim Quy (83 tuổi, từng là giảng viên Đại học khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh) và cộng sự đã đạt giải Nhất với sáng chế về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt. Với sáng chế này, tác giả đã sử dụng rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Các chủng vi sinh vật dùng để nhân giống, lên men sản xuất ra các chế phẩm vi sinh phân lập tuyển chọn từ trong đất. Chia sẻ về thành công của mình, GS Trần Kim Quy cho biết: Từng giảng dạy ở Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành hóa học, vi sinh học, GS Quy đã dành gần 20 năm nghiên cứu tìm ra những vi sinh vật có ích để xử lý rác và xây dựng quy trình sản xuất phân vi sinh. Từ những năm 2004, ông đã tìm cách giải bài toán này để có thể tận dụng tài nguyên từ rác. Đến năm 2012 ông đã tìm ra vi sinh vật giúp phân hủy rác và xây dựng quy trình tạo phân bón dinh dưỡng cho cây trồng, được các hội đồng khoa học nghiệm thu.
Theo GS Quy, khác với các công nghệ hiện có, giải pháp của ông rác không cần phân loại từ đầu nguồn. Theo quy trình, khi rác tập kết về cơ sở sản xuất được phun vi sinh vật khử mùi và sau đó cho chạy trên băng tải. Người ngồi đầu băng tải nhặt những chai lọ, lon. Tiếp đến sẽ có người chuyên lấy các chất dẻo là nilon để tái chế nhựa sản xuất mặt bàn composite. Những chất trơ được sử dụng làm gạch block không nung lát đường. Rác hữu cơ sẽ được phun các chế phẩm có chứa vi sinh vật, phân giải sinh học để làm phân vi sinh. GS Quy cũng cho biết, sẽ có ba vi sinh vật được sử dụng để phân hủy trong quy trình xử lý. Một con chuyên khử mùi rác (con này lấy trong sữa chua); một con lấy ở đất đen dưới đáy hồ ở độ sâu 15 cm. Một con có chức năng cố định đạm lấy ở nốt sần trong rễ cây rau cải. Cách làm này của ông là để rác phân hủy càng nhanh càng tốt. Vì thế ông đã cấy vi sinh vật để một con ăn từ trong ra, một con ăn từ ngoài vào, một con ăn khi nhiệt độ rác ủ lên đến 50 độ C. Khi rác sau phân loại đưa vào hầm ủ và phun chế phẩm vi sinh, khoảng 20 - 25 ngày toàn bộ rác hữu cơ sẽ bị phân hủy và tạo thành phân vi sinh cung cấp dưỡng chất cho cây trồng. Tính đến nay, giải pháp của GS Quy đã được thực hiện ở Nhà máy xử lý rác Thụy Phương (Thừa Thiên - Huế). Tại đây, ông và cộng sự đã dùng 100 tấn rác thải để sản xuất 38 - 40 tấn phân vi sinh. Mỗi tấn được bán với giá 2,5 triệu đồng (rẻ bằng một nửa so với giá phân vi sinh đang bán trên thị trường). Theo ông Quy, giá này giúp cho nhiều người dân mua được phân tốt để dùng và người đầu tư vẫn thu lợi nhuận. Không chỉ được triển khai tại Huế, với quyết tâm tạo ra sản phẩm thương mại tại nhiều tỉnh, thành; ông đã gom góp, vay mượn từ người thân gần 20 tỷ đồng xây nhà máy 10.000 tấn/năm trên huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Giấy phép lưu hành sản phẩm phân vi sinh đã có. Hiện nhà máy đã được đầu tư thiết bị sản xuất và đang chờ giấy phép để cơ sở hoạt động. Ông cho biết, với mô hình 100 tấn/ngày, đủ cho một huyện xử lý rác thải. Sau này mỗi huyện có một khu xử lý như vậy sẽ rất có lợi về môi trường, người dân khó khăn được tiếp cận với phân vi sinh giá rẻ (2.500 đồng/kg). Các loại phân đang bán trên thị trường tỉ lệ hữu cơ thấp nhưng đang bán giá từ 5.000 -10.000 đồng/kg. Phân vi sinh do GS Quy tạo ra giá rẻ và có tỷ lệ vi sinh cao, tác dụng tốt cho cây trồng và tạo mùn cho đất. Khi được hỏi sau thành công từ sáng chế này, ông có dự định nghiên cứu thêm về lĩnh vực nào, GS Quy cho biết, hiện ông đang đăng ký bảo hộ sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ giải pháp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học làm từ lá cây. Đây cũng là dự án ông rất tâm đắc và hi vọng nếu thành công sẽ được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố. | |
Bản quyền ©2012 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum |