Liên hiệp Hội Việt Nam - 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị
Ngày đưa:  23/08/2019 09:21:43 AM In bài

             Ngày 22/8 tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị”. Tham dự hội thảo có các lãnh đạo Thường trực LHHVN; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội Vụ cùng các đại biểu đại diện cho các Hội ngành toàn quốc...

Chủ tịch LHHVN Đặng Vũ Minh và Phó Chủ tịch LHHVN Phan Tùng Mậu chủ trì hội thảo.

 

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước khẳng định: “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên của các hội thành viên, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”

Các đại biểu tham dự hội thảo

Trong chặng đường 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 đã qua, LHHVN đã từng bước củng cố về mặt tổ chức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết vận động tri thức, khảng định vị trí vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học công nghệ Việt Nam.

Từ năm 2010 đến nay, LHHVN có sự phát triển mạnh về tổ chức, Liên hiệp hội địa phương được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố (tăng 8 tỉnh so với năm 2010), tạo thành hệ thống đầy đủ từ Trung ương đến địa phương. Hội ngành toàn quốc với quy mô và cơ cấu không ngừng được mở rộng (cùng với hội, tổng hội còn có các hiệp hội tham gia là hội thành viên) với 87 hội (tăng 17 hội so với năm 2010). các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc cũng tăng lên mạnh mẽ tới 461 đơn vị (tăng 203 đơn vị so với năm 2010, thu hút được trên 3,7 triệu hội viên (năm 2019), trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức (tăng 1,4 triệu trí thức so với năm 2010).

Phó Chủ tịch LHHVN Phan Tùng Mậu báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị

Mối quan hệ giữa Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương mang tính hệ thống chính trị - xã hội 2 cấp ngày càng chặt chẽ hơn; mối liên kết liên ngành, liên vùng, phối hợp giữa Trung ương và địa phương của các hội thành viên ngày càng được tăng cường. Cán bộ của Cơ quan Liên hiêp Hội từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được củng cố theo hướng tinh gọn, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hoạt động hội từng bước được định hướng theo một chương trình thống nhất, có tính hệ thống. Nhiều hội thành viên, đặc biệt là các Hội ngành toàn quốc đã thành lập một số loại hình tổ chức mới phù hợp để thực hiện công tác vận động, thu hút, động viên, khuyến khích trí thức tham gia xây dựng đất nước và phát triển địa phương.

Thể hiện vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, Đảng đoàn LHHVN luôn đề cao công tác chính trị - tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, bồi đắp lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, tinh thần cộng đồng, tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ trí thức; đồng hành cùng dân tộc, phát huy vai trò cầu nối giữa trí thức với Đảng và giữa Đảng với trí thức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của trí thức KH&CN vì sự nghiệp phát triển đất nước, vì lợi ích của dân tộc, chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tập hợp, vận động trí thức, chính sách đối với trí thức trong tình hình mới...

Quang cảnh hội thảo

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, LHHVN còn gặp không ít khó khăn, hạn chế do nguyên nhân khách quan và cả chủ quan. quá trình triển khai và thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc. Nhận thức của cán bộ nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương chưa rõ, chưa nhất quán, thậm chí chưa thừa nhận tính chất chính trị - xã hội của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ Trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, vẫn hiểu sai Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương và địa phương là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, chỉ là hội đặc thù, cho rằng chỉ những tổ chức đoàn thể được quy định trong Hiến pháp 2013 mới là tổ chức chính trị - xã hội.

Các tổ chức thành viên và trực thuộc LHHVN, tuy có phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; nội dung và hình thức hoạt động chưa hấp dẫn trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Điều kiện hoạt động của LHHVN và các hội thành viên còn nhiều khó khăn, chưa được Nhà nước giao nhiệm vụ giải quyết những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, GD&ĐT, bảo vệ môi trường, chính sách đối với  trí thức, thực hiện các dịch vụ công; chưa tổ chức được những diễn đàn phù hợp để cung cấp thông tin và tạo môi trường thuận lợi để trí thức có thể bày tỏ quan điểm và đóng góp ý kiến vào những chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Vì vậy, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng LHHVN trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN; góp phần quyết định đưa KH&CN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” chưa đạt được, cần có thêm thời gian và sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa không chỉ của đội ngũ trí thức KH&CN mà cần thiết và có tính chất quyết định chính là sự thống nhất chỉ đạo của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với LHHVN.

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội XDVN

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội XDVN cho rằng để thực hiện được mục tiêu và các yêu cầu nhiệm vụ của Chỉ thị 42 việc triển khai tổ chức thực hiện là yếu tố quyết định thông qua các nhiệm vụ. Việc Thể chế hóa nội dung của Chỉ thị là yếu tố rất quan trọng để các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý nhà nước và LHHVN và các hội thành viên triển khai thực hiện. Tuy nhiên điều rất đáng lo ngại là 10 năm qua nhiều cơ chế chính sách đảm bảo thực hiện chỉ thị 42 của Bộ Chính trị và Thông báo số 393 của Ban Bí thư chưa được ban hành là nguyên nhân chủ yếu chúng ta Liên hiệp Hội Việt Nam là đối tượng không thực hiện được mục tiêu đề ra, ông Hùng dẫn chứng: Luật lập Hội chưa được ban hành, LHHVN là tổ chức chính trị xã hội vẫn chỉ là Hội đặc thù; “Cơ chế hoạt động, tư vấn phản biện giám định xã hội, tham gia các dự án chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế xã hội” chưa được ban hành vẫn chỉ thực hiện theo Nghị định 45 của CP là thực hiện nhiệm vụ này theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân (không bắt buộc loại hình dự án nào phải có tư vấn phản biện giám định xã hội của các tổ chức; Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và Luật phổ biến kiến thức vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu của các Hội nói chung và của Liên hiệp Hội nói riêng.

Ông Đặng Văn Thanh -  Hội Kế toán và kiểm toán Việt nam

Theo ông Đặng Văn Thanh -  Hội Kế toán và kiểm toán Việt nam: kết quả thực hiện Chỉ thị 42 còn hạn chế và cái hạn chế lớn nhất là nhận thức,  vì hiện nay khoa học và công nghệ vẫn chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế -xã hội, vào tăng năng  suất lao động xã hội của Việt nam. Năng suất lao động của Việt nam rất thấp chỉ bằng 1/2 thậm chỉ 1/5 của các nước trong khu vực.  Hàm lượng trí tuệ , giá trị gia tăng trong sản phẩm, dịch vụ rất thấp. Một số nhiệm vụ của Chỉ thị đã được thực hiện, nhiều giải pháp đã được triển khai,  nhưng có nhiệm vụ chưa hoàn thành, có không ít giải pháp chưa được triển khai hoặc triển khai ít kết quả, không hiệu quả…

Ông Nguyễn Ngọc Phú Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam

Từ thực tiễn hoạt động của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam ông Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch Hội cho biết: Từ khi có Chỉ thị 42,  Hội thường xuyên có ý thức đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đóng góp nhiều kiến nghị quan trọng giúp cho Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo. Là tổ chức xã hội nghề nghiệp muốn tiếp tục tồn tại và phát triển thì không có con đường nào khác là phải chấp hành nghiêm các chỉ thị nghị quyết của Đảng, các chủ trương, nhiệm vụ cụ thể mà Hội đã đã đề ra.

Chủ tịch LHHVN Đặng Vũ Minh phát biểu kết thúc hội thảo

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch LHHVN Đặng Vũ Minh ghi nhận những đóng góp ý kiến quý báu của các đại biểu đã bổ sung cho báo cáo tổng kết 10 năm LHHVN thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị. Chủ tịch Đặng Vũ Minh một lần nữa nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Chỉ thị này bằng những minh chứng rất cụ thể, trong 10 năm qua, Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị, luôn tôn trọng, lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học thuộc LHHVN điển hình như các ý kiến trước Dự thảo Luật về Hội, Phản biện về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê... Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm,  ủng hộ và tạo điều kiện cho LHHVN trong mọi hoạt động như  tôn vinh trí thức, hỗ trợ trí thức lão thành, gặp mặt trí thức hàng năm...  , chính vì thế nên LHHVN đã làm tốt trong công tác tập hợp trí thức như hiện nay, số lượng các Tổ chức KHCN tăng rất nhanh, tạo công ăn việc làm, sự cống hiến trí tuệ cho hàng vạn trí thức trong cả nước. Có thể nói Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị đã tác động gián tiếp đến uy thế, tầm vóc của LHHVN như ngày hôm nay - Chủ tịch Đặng Vũ Minh khảng định.


Bản quyền ©2012 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum