Ghi nhận từ Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ XI | |
Ngày đưa: 26/12/2019 09:11:39 AM | In bài |
Với mục đích khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của Thanh thiếu niên, nhi đồng (TTN - NĐ), từ 6 đến 19 tuổi trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo và xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai, Cuộc thi sáng tạo TTN - NĐ tỉnh Kon Tum lần thứ XI đã thu hút đông đảo các em TTN-NĐ trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tham gia. Các đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm đạt giải Cuộc thi lần thứ 11 Được phát động từ tháng 9/2018, Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ tỉnh Kon Tum lần thứ XI năm 2018-2019 đã nhận được 22 mô hình sản phẩm của 27 em học sinh thuộc 7 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi. Lĩnh vực dự thi chủ yếu là đồ dùng dành cho học tập, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế… Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Cao đẳng Cộng đồng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi, số lượng các mô hình, sản phẩm dự thi năm nay nhiều hơn các năm trước và chất lượng cũng tốt hơn. Phần lớn các sản phẩm đều có giá trị ứng dụng thực tiễn cao. Tiêu biểu như sản phẩm “Gối lá nếp” của tác giả Võ Hồng Vân, học sinh lớp 7 Trường Trường THCS 24 tháng 4, huyện Đăk Tô, sản phẩm được tạo ra từ cây lá nếp dùng trong sinh hoạt gia đình, bên canh đó còn để khử mùi trong ô tô, đảm bảo an toàn sức khỏe. Các mô hình, sản phẩm được xét chọn đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, học tập và vui chơi hàng ngày của các em, đặc biệt là có khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống. Điển hình trong lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập là sản phẩm “Truyện cổ Bahnar với trẻ em người Bahnar ở Kon Tum” của 2 em Hồ Nguyễn Nghi Dung, Lê Hoàng Nhật Lam - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành - Kon Tum, bộ sưu tầm gồm 80 truyện cổ Ba Na, trong đó có 15 truyện cổ Ba Na được chuyển thể thành song ngữ tiếng Việt - Ba Na, hiện sản phẩm của các em đã đưa về về một số thư viện trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum, phục vụ bạn đọc và góp phần gìn giữ phát huy văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Kon Tum. Sản phẩm “Thiết bị học hành động và phân loại các vật thể dựa vào màu sắc” Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng có nhiều sản phẩm được hội đồng giám khảo đánh giá khá cao, có khả năng ứng dụng thực tiễn. Cụ thể, sản phẩm “Thiết bị học hành động và phân loại các vật thể dựa vào màu sắc” của Cao Quốc Thắng, Chu Thanh Tùng (sản phẩm đạt giải Nhất Cuộc thi cấp tỉnh lần thứ 11 và đạt giải Khuyến khích Cuộc toàn quốc lần thứ 15 năm 2018-2019); “Thiết bị phân tích dữ liệu từ camera dựa vào thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo” của em Bùi Đình Nguyên Khoa - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Cánh tay Robot cộng tác của em Phạm Văn Thanh Giàu - Trường THPT Kon Tum. Em Bùi Đình Nguyên Khoa, cho biết: “Sản phẩm của em đã vận dụng những kiến thức em đã được học tại trường và nghiên cứu từ sách báo và trên mạng internet. Thông qua việc nghiên cứu các sản phẩm của mình đã giúp các em đam mê nghiên cứu khoa học và giúp giải trí sau những giờ học căng thẳng”. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên có học sinh Tiểu học tham gia dự thi đó là em Vàng Anh Khoa, học sinh lớp 3 - Trường Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Đăk Tô, em tham gia với mô hình Nhà thông minh “SMAST HOME”. Mô hình Nhà thông minh “SMAST HOME” của tác giả Vàng Anh Khoa, học sinh lớp 3, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Đăk Tô, tác giả nhỏ tuổi nhất Cuộc thi năm nay. Với các thí sinh, Cuộc thi không chỉ giúp các em khẳng định bản thân mà còn là cơ hội để gặp gỡ, học hỏi từ các thành viên Ban Giám khảo. Em Phạm Văn Thanh Giàu, lớp 12 - Trường THPT Kon Tum chia sẻ: “Em mang đến Cuộc thi lần này với sản phẩm “Cánh tay Robot cộng tác” (sản phẩm đạt giải Nhì Cuộc thi cấp tỉnh năm 2018-2019), sản phẩm có các tính năng như, điều khiển bằng cử chỉ tay với 6 bậc tự do, phản hồi nhanh chóng với độ chính xác cao; Truyền về các số liệu cho người dùng khi bàn tay đã kẹp vật, nhiệt độ của vật gắp; Cho phép người sử dụng có thể quan sát hình ảnh trực tiếp nơi robot làm việc với kính VR; Cánh tay robot cộng tác có thể ứng dụng thay thế con người trong các hoạt động nguy hiểm, hay hỗ trợ người bị teo cơ, thiếu khả năng vận động mạnh. Sau khi dự thi, được các thầy trong Ban Giám khảo góp ý và em đã tìm ra được nhiều điểm mình chưa hoàn thiện cho sản phẩm của mình”. Ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Kon Tum cho biết: “Qua 11 lần tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Kon Tum đã có 86 mô hình, sản phẩm dự thi, trong đó có 58 mô hình, sản phẩm đạt giải. Tham gia Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc được Hội đồng chấm thi cấp Quốc gia công nhận đạt 5 giải, trong đó 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 1 ba, 2 giải khuyến khích. Đặc biệt, tỉnh có 2 em học sinh đạt giải Nhất Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên và nhi đồng lần thứ 9, đồng thời đạt giải Nhất Cuộc thi toàn quốc lần thứ 13 và đạt Huy chương Đồng do Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ IEYI tại Ấn Độ năm 2018 công nhận và trao cho sản phẩm “Máy đọc tài liệu dành cho người khiếm thị”. Điều đáng mừng là trong những năm gần đây, Cuộc thi có các em học sinh DTTS đã mạnh dạn tham gia dự thi, đã có em đạt giải cấp tỉnh”. Trải qua 11 lần tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Kon Tum đã trở thành địa chỉ quen thuộc với các em học sinh đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Cuộc thi ngày càng có tính lan tỏa sâu rộng và được đông đảo thanh, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn tỉnh tham gia. | |
Bản quyền ©2012 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum |