Một số vấn đề về phát triển tài sản trí tuệ ở tỉnh Kon Tum gắn với cuộc Cách mạng 4.0 | |
Ngày đưa: 27/12/2019 08:42:29 AM | In bài |
Tài sản trí tuệ (TSTT) là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao các TSTT. Bảo hộ và phát triển TSTT là tạo công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0). Tỉnh Kon Tum có nhiều đặc sản, như gà nướng, cá tầm Kon Plông; Rượu vang sim, thịt bò nướng kiến vàng, tiêu rừng, măng khô nứa Măng Đen; gỏi lá Kon Tum; văn hóa, du lịch, nông sản và dược liệu (nhất là sâm Ngọc Linh Kon Tum). Tuy nhiên, việc xây dựng, tạo lập, quản lý, bảo hộ và phát triển thương hiệu các TSTT mang tính đặc thù, lợi thế của tỉnh trong thời gian qua… vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao. Thực trạng công tác sở hữu trí tuệ (SHTT), bảo hộ và phát triển TSTT trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian qua: Hàng năm, Sở KH&CN tỉnh có kế hoạch phối hợp với Cục SHTT tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu công nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm sản xuất tại địa phương cho các Sở, ngành, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ 2006 (khi Luật SHTT có hiệu lực) đến nay, toàn tỉnh có hơn 170 đơn đăng kí xác lập quyền SHTT; có hơn 128 nhãn hiệu hàng hóa; 06 chỉ dẫn địa lý; 03 kiểu dáng công nghiệp; 06 sáng chế; 01 quyền tác giả; 01 giải pháp hữu ích. Mỗi năm có khoảng 10 đề tài/dự án cấp tỉnh; hàng trăm đề tài cấp cơ sở; từ 30 đến 60 sáng kiến cấp tỉnh và hàng trăm sáng kiến cấp cơ sở được công nhận. Nuôi cấy mô các giống cây dược liệu tại Trung tâm thực nghiệm và cung ứng dịch vụ Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum. Đặc biệt trong năm 2018, thực hiện Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 19/6/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển TSTT tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020, UBND tỉnh đã phê duyệt 02 dự án: Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum và Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Ngọc Linh Kon Tum” của tỉnh Kon Tum. Ngày 18/02/2019 Sở KH&CN tỉnh cũng đã đề xuất UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt 02 dự án: “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Cà phê xứ lạnh Kon Tum cho các sản phẩm cà phê xứ lạnh tỉnh Kon Tum” và “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận 09 sản phẩm dược liệu tỉnh Kon Tum” (1. Đảng sâm Kon Tum; 2. Đương quy Kon Tum; 3. Ngũ vị tử Kon Tum; 4. Lan kim tuyến Kon Tum; 5. Nghệ vàng Kon Tum; 6. Đinh lăng Kon Tum; 7. Sa nhân tím Kon Tum; 8. Ý dĩ Kon Tum; 9. Nấm dược liệu Kon Tum”) thực hiện năm 2019. Đề xuất 03 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 của Trung ương quản lý: Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Măng Đen” cho sản phẩm Sim quả của tỉnh Kon Tum”; “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sâm dây Ngọc Linh” dùng cho sản phẩm Sâm dây của tỉnh Kon Tum” (năm 2017); Dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm Sâm củ của tỉnh Kon Tum” (năm 2018). Tiếp nhận 04 bản công bố hợp chuẩn của các sản phẩm cao su thiên nhiên, cột điện bê tông ly tâm, gạch terazo và bê tông trộn sẵn. Những hạn chế, khó khăn và bất cập: - Về công tác cán quản lý nhà nước về SHTT, bảo hộ và phát triển TSTT: Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về SHTT (trong đó có nhiệm vụ bảo hộ và phát triển TSTT) ở tất cả các đơn vị trên địa bàn tỉnh còn thiếu và chưa được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng bài bản, chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác về SHTT. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHTT, bảo hộ và phát triển TSTT còn hạn chế, chưa phong phú. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm và tạo điều kiện để nâng cao kiến thức về SHTT làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp. Hoạt động tạo lập, bảo hộ và phát triển quyền SHTT vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của việc phát triển nhất là gắn với cuộc CM 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay. Nhiều sản phẩm, dịch vụ của tỉnh chưa được bảo hộ sở hữu công nghiệp, chưa có bao bì nhãn mác, dẫn đến việc quảng bá, phát triển thị trường và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm còn hạn chế. Hầu hết các thương hiệu khi xây dựng chỉ dừng lại ở mức độ xác lập quyền mà chưa có các giải pháp đồng bộ như quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá phát triển thương hiệu bền vững… - Nhận thức và hành động của cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp về bảo hộ và phát triển TSTT: Hầu hết cộng đồng và doanh nghiệp, các cơ quan chưa hoặc không nhận thức đầy đủ về bảo hộ và phát triển TSTT. Đặc biệt là các doanh nghiệp chưa thực sự xem và sử dụng TSTT như là một công cụ đắc lực, là động lực để phát triển. Tính chủ động của doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu còn hạn chế. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động sản xuất các loại hàng hóa đặc sản trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún chủ yếu sử dụng ở địa phương tiêu thụ trong nước là chính nên việc tập hợp để xây dựng thương hiệu rất khó khăn; tính liên kết hợp tác giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp còn yếu. Trong bối cảnh cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế và mọi hoạt động gắn với cuộc CM 4.0 thì SHTT, bảo hộ và phát triển TSTT là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Để bảo hộ và phát triển TSTT trên địa bàn tỉnh Kon Tum được tốt và hiệu quả cao hơn, thiết nghĩ cần tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập, bảo hộ và phát triển TSTT. Chú trọng ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông trong công tác tuyên truyền phù hợp trong hội nhập kinh tế quốc tế (chú trọng sử dụng các mạng xã hội, web, phục vụ cho việc quảng bá giới thiệu các loại sản phẩm sản xuất tại địa phương đến với các tỉnh thành, khu vực và thế giới…). Tổ chức các hoạt động khảo sát; hội thảo, tọa đàm, diễn đàn đối thoại, tập huấn, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bảo hộ và phát triển TSTT đối với các đặc sản và sản phẩm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tổ chức In ấn, phát hành các tài liệu hướng dẫn về SHTT, các tài liệu hướng dẫn cho doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Cung cấp thông tin SHTT cụ thể, dễ sử dụng để phục vụ hoạt động xác lập, khai thác, quản lý, bảo hộ và phát triển giá trị TSTT. Xây dựng và chi sẻ cơ sở dữ liệu về SHTT và bảo hộ, phát triển giá trị TSTT ở từng đơn vị (sở, ngành, doanh nghiệp,..) và của tỉnh Kon Tum; Rà soát, sắp xếp, bố trí đủ nhân lực và không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực thực hiện nhiệm vụ SHTT, bảo hộ và phát triển giá trị TSTT; Tích cực hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT; Hỗ trợ ứng dụng các TSTT, thành quả sáng tạo cá nhân được hình thành từ thực tiễn; Phát huy vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Kon Tum trong công tác SHTT và bảo hộ, phát triển TSTS; Tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, thực thi và hợp tác, nhất là hợp tác quốc tế về SHTT và bảo hộ phát triển giá trị TSTT trên địa bàn tỉnh; Hàng năm cần tổ chức tổng kết để vinh danh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình thực hiện tốt công tác SHTT, bảo hộ và phát triển TSTT; có TSTT được áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. | |
Bản quyền ©2012 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum |