Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP
Ngày đưa:  22/02/2017 02:44:08 PM In bài
Đồng Nai là tỉnh có diện tích canh tác rau rất lớn và có nghề trồng rau lâu đời ở khu vực Miền Đông Nam Bộ với tổng diện tích canh tác khoảng 4.500 ha, diện tích gieo trồng hàng năm gần 14.000 ha, sản lượng gần 200.000 tấn, lợi nhuận thu được từ sản xuất rau an toàn khoảng 320 triệu đồng/ha/năm (http://www.dongnai.gov.vn). Hiệu quả kinh tế, xã hội của cây rau mang lại là rất lớn, nhưng số lượng các tổ chức sản xuất rau theo VietGAP và diện tích trồng rau được chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh còn rất ít, hiện chỉ có Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ rau an toàn Trảng Dài (Phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) và HTX rau Trường An ở xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) được chứng nhận sản xuất rau an toàn theo VietGAP với tổng diện tích khoảng 20 ha. Để khuyến khích phát triển rau an toàn, ngày 24/6/2011 UBND tỉnh đã ra quyết định số 1572/QĐ-UBND về Chương trình phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau quả an toàn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 – 2015, xác định đến hết năm 2012 toàn tỉnh có khoảng 2.500 ha (chiếm khoảng 60%) hoàn thành việc khảo sát điều kiện đất và nước, lập quy hoạch chi tiết vùng sản xuất rau an toàn và đến năm 2015 có 50 ha được chứng nhận VietGAP.

 

Vườn rau sạch – an toàn

Vườn rau sạch – an toàn

Huyện Định Quán với dân số khoảng 221.000 người, diện tích rau các loại là 1.190ha, sản lượng đạt 13.985 tấn/năm, bình quân đầu người đạt 63,28kg/người/năm, bằng ½ lượng rau bình quân đầu người của cả nước (120kg/người/năm). Hiện tại, lượng rau sản xuất được của địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu nội tiêu nên các tiểu thương thường xuyên phải nhập rau từ các vùng lân cận (chủ yếu là huyện Tân Phú và Đà Lạt) về bán tại các chợ trên địa bàn huyện, do đó nhu cầu rau xanh hàng ngày của huyện là rất lớn. Thực trạng sản xuất rau của huyện cho thấy, toàn bộ diện tích trồng rau của huyện chưa được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, người dân sản xuất rau tự phát, các kỹ thuật sản xuất rau theo GAP chưa được quan tâm, thiếu các công nghệ như nhà lưới, hệ thống tưới và sơ chế,… hỗ trợ sản xuất nhằm tăng năng suất và chất lượng rau do đó sản xuất rau của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để phát triển rau an toàn (RAT) của huyện, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đồng Nai kết hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Nghiệp miền Nam triển khai thực hiện dự án khoa học công nghệ “xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap quy mô 2 ha tại huyện Định Quán, Đồng Nai”. Với mục tiêu tổng thể: Xây dựng và phát triển 01 mô hình sản xuất RAT theo hướng VietGAP với quy mô 20.000m2 nhà lưới tại 13 hộ trồng rau thuộc xã Phú Lợi và Gia Canh. Mô hình nhằm giúp Huyện có cơ sở nhân rộng diện tích sản xuất RAT ra nhiều xã khác góp phần phát triển RAT đáp ứng nhu cầu nội tiêu. Để hoàn thành mục tiêu đó cần: (1) Thành lập được 01 tổ hợp tác (THT) sản xuất RAT với 13 hộ trồng rau của xã Phú Lợi và xã Gia Canh; (2) Xây dựng được 20.000m2 nhà lưới cho 13 hộ dân nói trên nhằm giúp nông dân sản xuất rau quanh năm, đạt tiêu chuẩn rau an toàn. Năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn canh tác ngoài nhà lưới khoảng 15 - 20%; (3) Tổ chức các lớp học về kỹ thuật sản xuất RAT và bổ sung kiến thức căn bản cho người sản xuất rau góp phần tạo ra nhiều sản phẩm RAT cho xã hội. Đối tượng gồm 13 hộ gia đình trong tổ hợp tác (THT).

Sau thời gian triển khai đến nay dự án khoa học công nghệ đã tổng kết nghiệm thu và bàn giao kết quả cho các hợp tác xã cũng như tổ hợp tác trên địa bàn toàn huyện. Qua đó đã giúp người trồng rau trong và ngoài dự án nâng cao nhận thức về sản xuất rau an toàn thông qua các đợt tham quan, các lớp học thực tế về sản xuất, quản lý RAT tại các vùng sản xuất rau tiên tiến và các lớp đào tạo về sản xuất rau theo VietGAP. Sản xuất rau có sự liên kết, tổ chức dưới sự điều hành của THT sản xuất RAT Phú Gia. Hình thức sản xuất này phù hợp với yêu cầu của thị trường hiện nay và phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của chính phủ.

Xây dựng và chuyển giao quy trình hướng dẫn sản xuất rau an toàn cho 5 loại rau trồng phổ biến trong dự án gồm cải xanh, cải ngọt, xà lách, cải thìa, rau muống an toàn và phù hợp với vùng dự án. Ngoài ra, dự án đã tạo ra 20.000m2 nhà lưới hở, 13.500m2 hệ thống tưới phun tự động được làm mới, 6.500m2 hệ thống tưới cũ được cải tạo, 01 nhà sơ chế 80mđược xây dựng và lắp đặt 01 hệ thống sơ chế RAT với 50 khay nhựa phụ vụ việc sơ chế và vận chuyển rau an toàn nhờ đó người trồng rau có điều kiện tiếp cận những công nghệ sản xuất tiên tiến. Năng suất rau tăng trung bình 30% và lợi nhuận tăng thêm trên 121 triệu đồng/ha/năm so với phương thức canh tác truyền thống.

Với kết quả bước đầu là 540 tấn rau an toàn hơn được cung cấp cho xã hội, ngoài ra người tiêu dùng cũng được giới thiệu địa chỉ mua rau an toàn, được tuyên truyền nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải sử dụng rau an toàn trong các bữa ăn hàng ngày vì chính sức khỏe của người tiêu dùng.

 
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thảo

Bản quyền ©2012 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum