Hiệu quả từ việc thực hiện liên kết “4 nhà” ở huyện Đăk Hà

            Xây dựng mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp nhằm gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững được huyện Đăk Hà triển khai sâu rộng.

Với phương châm “huy động nội lực tại chỗ là chính; coi trọng vai trò làm chủ của người dân”, từ đó huyện thu hút sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, đồng thời triển khai các chính sách ưu đãi của Nhà nước để thu hút các doanh nghiệp, hộ dân, các nhà khoa học trong việc liên kết để sản xuất, kinh doanh.

Huyện đã triển khai hỗ trợ cho nông dân các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao; các loại thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời đã mời gọi các nhà khoa học trực tiếp về địa phương tập huấn, hướng dẫn quy trình và chuyển giao công nghệ cho nông dân để triển khai thực hiện thành công các mô hình thử nghiệm sản xuất giống mới, sản xuất rau an toàn, cà phê theo tiêu chuẩn Châu Âu...

Triển khai chương trình hành động thực hiện 3 lĩnh vực đột phá của tỉnh, UBND huyện đã thực hiện cắt giảm ít nhất 30% tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định đối với 70 TTHC, trong đó có 47 TTHC liên quan đến đầu tư, xây dựng, phát triển sản xuất và kinh doanh để tạo kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tích cực liên kết với nông dân để thành lập các tổ hợp tác sản xuất; đổi mới công nghệ, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện sản xuất trong nông nghiệp và công nghiệp, bao tiêu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tính đến nay, trên địa bàn có 454 hộ nông dân là thành viên của 15 hợp tác xã, 2.845 hộ nông dân tham gia 71 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp.

Trong mối liên kết “4 nhà”, huyện Đăk Hà luôn xác định phương châm lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò làm chủ của người dân “dân biết, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ”; các cấp, các ngành đồng hành hỗ trợ về cơ chế, giống, vật tư, kỹ thuật; kêu gọi nhà đầu tư cùng nông dân làm nông nghiệp... Từ đó, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của mối liên kết “4 nhà” được nâng lên. Nông dân trên địa bàn huyện, nhất là đồng bào DTTS đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi  hợp lý; chú trọng đến việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ để tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Với nhiều chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh, chủ động nắm bắt thông tin, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Với sự liên kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, mô hình liên kết ”4 nhà”  trên địa bàn huyện Đăk Hà đã đạt nhiều kết quả cao. Các sản phẩm chủ lực của huyện như cà phê, mì, lúa, cá nước ngọt ngày càng được nâng cao về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Tiêu biểu như cây cà phê - cây trồng chủ lực của huyện, diện tích không ngừng được mở rộng, sản lượng tăng cao rõ rệt. Nếu như năm 2005 diện tích cây cà phê toàn huyện là 6.993ha, đến năm 2017, con số này đã tăng lên 8.495,76ha; năng suất cũng tăng từ 18,26 tạ nhân khô/ha lên 31,86 tạ nhân khô/ha. Tương tự là cây cao su, năm 2008, tổng diện tích cao su toàn huyện là 4.320,6ha, đến nay đã tăng lên 7.200,1ha. Bên cạnh đó, trong sản xuất lúa, 80% diện tích lúa ruộng được người dân sử dụng các giống lúa lai, nhờ vậy mà năng suất lúa đã tăng từ 35,65 tạ/ha vào năm 2005 lên 48,94 tạ/ha ở thời điểm hiện tại...

Với số lượng nhiều, chất lượng được nâng cao, các sản phẩm nông nghiệp của Đăk Hà đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là sản phẩm cà phê. Trong vài năm gần đây, sản phẩm cà phê chế biến của một số doanh nghiệp như  Cà phê Đăk Hà (Công ty XNK cà phê Đăk Hà), Cà phê bột DakMark (Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng), Cà phê đặc biệt Sáu Nhung (HTX Nông nghiệp sản xuất thương mại Sáu Nhung) đã được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia. Gần đây, nhiều loại cá nước ngọt của huyện Đăk Hà còn được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua để đưa sang thị trường Châu Âu...

Dây truyền đóng gói cà phề của HTX kiểu mới sản xuất NN&DV

Thương mại Hải Tình, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà

Quá trình xây dựng mối liên kết “4 nhà” ở Đăk Hà những năm vừa qua đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng gắn bó hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn… Đây là tiền đề để huyện tiếp tục xây dựng mối liên kết ngày càng chặt chẽ hơn làm “đòn bẩy” thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp nông thôn phát triển.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả liên kết “4 nhà” ngày 12/10/2019 do UBND huyện Đăk Hà tổ chức, mục tiêu trong thời gian đến được huyện Đăk Hà đặt ra là tiếp tục thực hiện việc liên kết “4 nhà” để sản xuất thử nghiệm nhiều loại giống mới có năng suất, chất lượng cao; vận động nông dân đưa giống mới vào sản xuất, phấn đấu đạt trên 90% diện tích sử dụng các giống lúa lai. Các cấp, các ngành vận động doanh nghiệp thực hiện tốt công tác thu mua, bao tiêu sản phẩm các loại nông sản, cá nước ngọt cho nông dân để khai thác và phát huy có hiệu quả diện tích đất đai, mặt nước, thúc đẩy các ngành nghề của huyện phát triển ổn định, bền vững.

Đặc biệt, huyện Đăk Hà tiếp tục chú trọng xây dựng  thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”. Trong đó, khâu đầu tiên là vận động người dân chăm sóc và khai thác có hiệu quả diện tích cà phê trên địa bàn; phát triển các tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch theo công nghệ 4C, UTZ, RSA. Bên cạnh đó, huyện cũng nghiên cứu đề xuất chính sách, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê ướt với dây chuyền thiết bị hiện đại, thu hút đầu tư chế biến sản phẩm tinh chế đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Các cấp, các ngành của huyện phối hợp cùng với các ngành chức năng tích cực giới thiệu quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp cà phê ra thị trường nước ngoài để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh. Mục tiêu của huyện là cây cà phê thực sự là cây chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 

Từ những kết quả đạt được trong những năm qua, liên kết “4 nhà” là xu hướng tất yếu trong việc phối hợp, gắn kết trách nhiệm để tổ chức sản xuất nông, công nghiệp hiện đại trong thời gian đến của huyện Đăk Hà. Việc liên kết giúp nông dân có điều kiện để đưa tiến bộ kỹ thuật vào thúc đẩy sản xuất; doanh nghiệp và nông dân có cơ hội hợp tác sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa mới có giá trị thực tiễn cao, nhà khoa học có điều kiện đóng góp những kiến thức khoa học của mình vào thực tiễn của cuộc sống, Nhà nước có cơ sở để ban hành các chính sách sát với thực tiễn để chỉ đạo sản xuất đạt kết quả cao phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Các tin, bài khác