Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2013 đã quy định cụ thể nơi cấm hút thuốc hoàn toàn, đó là các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; phương tiện giao thông công cộng.
Các hành vi sử dụng, mua hoặc bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị xử phạt, đồng thời công dân có quyền yêu cầu không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút. Công dân cũng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút; phản ánh hoặc tố cáo với cơ quan thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá... Với những quy định cụ thể như vậy, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá dự báo sẽ có tính khả thi cao, nâng cao được ý thức người bán và người hút thuốc lá, giảm được tác hại của thuốc lá gây ra đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua việc thực thi còn nhiều bất cập dẫn đến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá còn nhiều hạn chế. Nhiều địa điểm được quy định cấm hút thuốc lá như bệnh viện, trường học, phương tiện giao thông công cộng…vẫn còn hiện tượng hút thuốc, chưa có biện pháp nhắc nhở, xử lý. Ý thức của người hút thuốc lá chưa có chuyển biến tích cực; các hành vi vận chuyển, mua bán thuốc lá vẫn diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là các hành vi buôn lậu thuốc lá tại các khu vực biên giới, cửa khẩu đang có chiều hướng gia tăng. Một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa được thực hiện nghiêm túc; cơ quan có thẩm quyền xử phạt khó có thể xử lý vì hành vi vi phạm thường diễn ra rất nhanh và thường khắc phục hành vi vi phạm ngay lập tức, tang vật vi phạm hành chính chỉ là điếu thuốc, bao thuốc lá thường không có giá trị nên khó có thể đảm bảo việc ra quyết định và thi hành hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Chính vì vậy, để đảm bảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có tính khả thi và thực thi nghiêm túc, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách nghiêm túc và triển khai sâu rộng đến toàn thể quần chúng nhân dân với những hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; chú trọng tuyên truyền thông qua các hình ảnh về tác hại của thuốc lá gây ra nhằm nâng cao nhận thức và chuyển biến ý thức của người dân trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Thứ hai, cần nghiêm cấm việc hút thuốc lá tại các cơ quan nhà nước. Nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước có hành vi hút thuốc lá cần có hình thức xử lý như không xét thi đua khen thưởng cuối năm hoặc xử lý kỷ luật, có như vậy mới khắc phục tình trạng hút thuốc tại cơ quan nhà nước hiện nay.
Thứ ba, ngoài việc quy định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá theo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần bổ sung việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc nếu xảy ra tình trạng người hút thuốc tại địa điểm cấm hút thuốc lá. Đồng thời, người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá phải có trách nhiệm bố trí lực lượng bảo vệ thường xuyên túc trực, nhắc nhở các hành vi hút thuốc lá (nếu có).
Thứ tư, cần xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá có tính khả thi, theo hướng chú trọng xử lý vi phạm của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá; các cơ sở phân phối thuốc lá; xử lý vi phạm đới với người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá…Bên cạnh đó, cần xây dựng lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đủ mạnh để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm xảy ra.
Thứ năm, cần chú trọng việc kiểm soát tình trạng sản xuất, buốn bán thuốc lá như các hành vi vi phạm quảng cáo, không chấp hành quy định in ấn trên bao bì sản phẩm thuốc lá; hạn chế nhập khẩu thuốc lá, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi buôn lậu thuốc lá qua biên giới và cửa khẩu. Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc lá nhằm ngăn chặn và xử lý hành mua, bán thuốc lá lậu.
Có như vậy, việc triển khai Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá mới phát huy hiệu quả tích cực nhằm hạn chế số ca tử vong do thuốc lá gây ra, qua đó, tăng cường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, khắc phục tình trạng lãng phí thời gian, tiền của của người hút thuốc, cũng như tiết kiệm nguồn ngân sách khổng lồ của Nhà nước trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay./.
Đỗ Văn Nhân - Hội Luật gia