Máy thu hoạch bắp, lúa (2 trong 1) được Cơ khi PhanTấn chế tạo thành công
Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí nông nghiệp giữa cuối những năm 80, năm 1991 Kỹ sư Phan Tấn Bện thành lập Cơ sở cơ khí Phan Tấn chuyên nghiên cứu sản xuất những “máy nông nghiệp”, góp phần không nhỏ vào “công cuộc” cơ giới hoá của địa phương…
Là một kỹ sư cơ khí nông nghiệp gắn bó với nông dân nhiều năm, chính những trải nghiệm thực tiễn, hiểu được những khó khăn của nông dân trong việc thu hoạch sản phẩm nông nghiệp. Ông Phan Tấn Bện mạnh dạn thiết kế chế tạo nhiều sản phẩm “máy nông nghiệp”, qua nhiều lần thử nghiệm thất bại và cải tiến, giờ đây những sản phẩm mang thương hiệu Phan Tấn như máy suốt lúa liên hợp, máy gặp đập liên hợp GGPT, máy cuốn rơm ...hay gần đây nhất là: máy thu hoạch bắp liên hợp PT-B1.7 (Giải phát đạt giải A Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh và giải nhì Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc) thực sự là những sáng chế hữu ích, giảm công sức lao động, mang lại hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, làm nức lòng bà con nông dân trong nước và sự ưa chuộng của những thị trường nước ngoài tiềm năng (các nước nông nghiệp lân cận và thị trường Châu Phi).
Nói về ý tưởng thiết kế và quá trình chế tạo, thử nghiệp máy thu hoạch bắp liên hợp Kỹ sư Phan Tấn Bện chia sẻ: “Những năm gần đây để tránh độc canh cây lúa, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã được thực hiện tại Đồng bằng Sông Cửu Long góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và đa dạng hóa thu nhập cho nông dân. Trong đó cây bắp lai đã được đưa vào canh tác sau 2 vụ lúa tại nhiều địa phương, đạt hiệu quả khá cao. Đến nay diện tích toàn vùng đạt gần 30.000 ha. Tuy nhiên vấn đề canh tác, thu hoạch và sau thu hoạch vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn.
Tháng giêng năm 2014, tôi bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu chế tạo máy thu hoạch bắp. Với chuyên ngành về cơ khí nông nghiệp cộng với nhiều năm trực tiếp lặn lộn trong ngành, đặc biệt với kinh nghiệm thiết kế, sản xuất hàng trăm máy thu hoạch lúa nên chỉ trong vòng 5 tháng tôi đã thiết kế chế tạo được máy thu hoạch bắp liên hợp PT-B17.
Mẫu máy đã hoàn thành, nhưng do chưa đến mùa vụ thu hoạch bắp nên đến tháng 6/2014 máy mới được đưa ra đồng chạy thử. Lần đầu tiên máy ra đồng, do chưa nắm được kỹ thuật thu hoạch cũng như kinh nghiệm nên đã phải bồi thường cho chủ ruộng, vì bắp chưa đạt độ chín của trái nên hạt bắp còn bị dính theo cùi, độ sót trái còn cao, do tỉ số truyền chưa phù hợp.
Tôi cho đem máy về xưởng chỉnh sửa, khắc phục nhược điểm. Mười ngày sau khi khắc phục xong tôi cho tiến hành chạy thử lần hai, với diện tích 1.000m2. Lần này độ sót trái được hạn chế nhưng chưa nhiều.
Tiếp tục đưa máy về xưởng và thiết kế lại phần guồng gạt với các góc độ và thay đổi tỉ số truyền động. Máy ra đồng lần thứ ba, thu hoạch được 4.500m2. Lần này đã khắc phục được độ sót trái, độ sạch hạt cao nhưng lại phát sinh vấn đề khác. Chân răng của bộ phận đập, phần nắp trống đập không đủ độ bền. Một lần nữa máy được đưa về xưởng để khắc phục.
Cuối tháng 6/2014 máy ra đồng chạy thử lần thứ tư với diện tích là 5.000m2. Các nhược điểm ban đầu đã được khắc phục. Để khẳng định thêm về chất lượng cũng như để nắm được các thông số kỹ thuật. Tôi tiếp tục cho máy chạy thử lần thứ năm với diện tích là 6.500m2. Máy hoạt động ổn định, độ sạch, độ hao hụt đều đạt yêu cầu. Chủ ruộng phấn khởi và vui vẻ trả tiền công thu hoạch.”
Gắn bó với các sản phẩm của Cơ sở cơ khí Phan Tấn trong những năm đầu mới thành lập, nông dân Nguyễn Văn Bé Bảy ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười nhận xét: các sản phẩm của Cơ sở cơ khí Phan Tấn từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của nông dân nên khi đơn vị cho ra đời các máy thu hoạch liên hợp, nông dân rất phấn khởi và tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm.
Với những sáng chế không biết mệt mỏi và những công hiến của ông cho nông nghiệp nông thôn, Kỹ sư Phan Tấn Bện đã được tôn vinh là tấm gương điển hình tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.