Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước qua nội soi bằng gân cơ thon và gân cơ bán gân
Nhân dịp 61 năm ngày thầy thuốc Việt Nam( 27/2/1955-27/2/2017), xin giới thiệu bài “Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&KT góp phần tạo dựng uy tín, thương hiệu Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu”.
Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu được thành lập năm 1956, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị, song Bệnh viện đang từng bước khẳng định vị thế của một bệnh viện tuyến huyện đi đầu trong việc phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu phục vụ đồng bào miền núi. Năm 2016, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu được công nhận là bệnh viện hạng II (Theo quyết định Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 UBND tỉnh Sơn La). Đây là động lực lớn giúp đội ngũ cán bộ viên chức nỗ lực phấn đấu, vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, trở thành địa chỉ y tế tin cậy không chỉ cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, mà còn cho nhân dân tỉnh Hủa Phăn nước CHDCND Lào.
Hiện nay tổ chức bộ máy Bệnh viện, gồm: Giám đốc Bs CKII Vi Hồng Kỳ; các phó giám đốc: Bs CKI Khuất Thanh Bình, DSCKI Hoàng Tiến Bình, Thạc sĩ Vũ Giang An. Bệnh viện có 4 phòng chức năng và 14 khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Tổng số cán bộ, viên chức có 157 người, trong đó trình độ trên đại học có 12 người, đại học có 55 người. Cơ sở vật chất của Bệnh viện có một khuôn viên trụ sở làm việc với diện tích khoảng 2800m2, trong đó diện tích xây dựng là 2200m2. Tổng số giường bệnh tiêu chuẩn 150 giường, thực tế kê đến 325 giường. Trang thiết bị đối hiện đại, được tăng cường đầu tư bằng nguồn kinh phí của Nhà nước, quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị và bằng nguồn xã hội hóa. Chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân không ngừng được cải tiến, nâng cao, kết quả hàng năm luôn vượt từ 10-15% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao, cấp cứu thành công hàng nghìn bệnh nhân nặng, hiểm nghèo. Thông qua việc nhận chuyển giao kỹ thuật của các Bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh việnViệt Đức, Bệnh viện 103, Bệnh viện phụ sản trung ương… y bác sỹ Bệnh viện đa khoa Mộc Châu đã được đào tạo và làm chủ các kỹ thuật tiên tiến. Chuyên môn nghiệp vụ ngày một nâng cao. Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật vượt tuyến như: Mổ thay khớp háng toàn bộ, mổ nội soi khớp gối, mổ tái tạo dây chằng chéo, mổ nội soi lấy sỏi niệu quản ngoài phúc mạc, thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IUI, kỹ thuật Giảm đau trong đẻ... Từ năm 2010 đến nay đã triển khai được trên 60 kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng, tạo điều kiện cho người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại ngay tại tuyến cơ sở, giảm chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt tiết kiệm chi phí đáng kể cho người bệnh.
Một trong những yếu tố làm nên thành công của bệnh viện đó là phong trào nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học & kỹ thuật luôn được quan tâm chú trọng. Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức bệnh viện được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học ở tuyến cơ sở gần như chưa có, nhưng trong 10 năm qua (từ năm 2006 đến năm 2016) các bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện đã có rất nhiều cố gắng phát huy vai trò năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của mỗi cá nhân để đóng góp cho bệnh viện. Mười năm qua đã có 79 đề tài cấp cơ sở đã được sở y tế nhiệm thu và công nhận. Các kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp đào tạo các cán bộ của Bệnh viện, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên môn và quản lý. Đến nay có 04 đề tài được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng lao động sáng tạo, 02 đề tài đạt giải nhì Hội thi sáng tạo Kỹ thuật tỉnh của tỉnh, nhiều đề tài được triển khai và áp dụng có hiệu quả tại Bệnh viện, trong đó có nhiều nghiên cứu khoa học của Bệnh viện được công nhận là sáng kiến cấp tỉnh, góp phần nâng cao uy tín của Bệnh viện.
Những năm qua Bệnh viện đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Nhiều trường hợp phẫu thuật khó, vượt tuyến đã được thực hiện tại bệnh viện đạt kết quả tốt trong nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực ngoại khoa nổi bật là triển khai thành công phẫu thuật thay khớp háng, nội soi khớp gối tái tạo dây trằng, nội soi điều trị viêm, thoái hóa khớp gối, nội soi ổ bụng, vết thương sọ não hở, cắt lách, khâu gan vỡ trong chấn thương bụng, đóng đinh nội tủy chốt ngang và nẹp vít các xương tứ chi, cắt dạ dày, cắt đại tràng làm hậu môn nhân tạo…
Bước đột phá trong lĩnh vực sản khoa đó là ứng dụng thụ tinh nhân tạo thành công theo phương pháp IUI, đến nay bệnh viện đã áp dụng thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo được 5/7 trường hợp. Bên cạnh đó một số kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai thành công như: phẫu thuật nội soi cắt khối chửa ngoài tử cung, nội soi cắt u xơ tử cung, u nang bường trứng, phẫu thuật Shock mất máu do bệnh lý sản khoa, mổ cắt tử cung bán phần, toàn phần...
Kỹ thuật lọc rửa tinh trùng tại khoa xét nghiệm
Trong điều trị hồi sức cấp cứu và nội khoa đã cơ bản cấp cứu các trường hợp bệnh như liệt toàn thân trong hội chứng Guillain – Barre, ngộ độc các loại (Morphin, thuốc diệt cỏ, phospho hữu cơ, lá ngón…), nhiễm trùng huyết, sốc phản vệ do các nguyên nhân khác nhau, trụy tim mạch, phù phổi cấp do các nguyên nhân khác nhau, viêm não màng não....
Các đồng chí trong Ban giám đốc Bệnh viện khám cho bệnh nhân mắc hội chứng
viêm đa rễ dây thần kinh bị suy hô hấp phải thở máy tại khoa hồi sức cấp cứu
Lĩnh vực Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng cũng có bước phát triển rõ nét, nhiều kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng thành công trong điều trị các bệnh xương, khớp mạn tính, di chứng sau chấn thương như: kéo giãn cột sống, điện châm, điện xung, đắp Parapin trong điều trị phục hồi chức năng bệnh xương, khớp, thần kinh mãn tính…
Phẫu thuật thay thủy tinh thể
Số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng tăng; Bệnh viện luôn hoạt động trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt trên 140 %. Số bệnh nhân điều trị nội trú luôn trung bình đạt từ 250-350 bệnh nhân. Bệnh viện đã phải huy động nguồn lực mua bổ sung và kê thêm giường, đến nay là 325 giường (Vượt hơn 200% so với kế hoạch).
Ghi nhận những thành tích đạt được, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2016; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương "Vì sự nghịêp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân". Hàng nghìn lượt cán bộ viên chức đạt danh hiệu lao động tiên tiến, lao động giỏi, hàng trăm lượt cán bộ công chức viên chức đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Năm 2013 Bệnh viện được Bộ Y tế tặng Cờ thi đua đơn vị có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực khám chữa bệnh; năm 2015 UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu ngành Y tế Sơn La; Từ năm 2011 - 2015 đơn vị luôn được Sở Y tế công nhận Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2011 Bộ Y tế công nhận “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”.
Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu phấn đấu xây dựng trở thành bệnh viện đa khoa hạng I có cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ cán bộ chuyên môn và quản lý đạt trình độ cao trong khu vực. Quy mô gường bệnh đến năm 2020 là 250-300 giường. Tiếp tục hoàn thiện nâng cấp xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng CNTT toàn diện, hiện đại hóa bệnh viện ngang tầm trong khu vực. Thực hiện nghiêm quy trình, quy chế chuyên môn; không ngừng nâng cao chất lượng Bệnh viện, phấn đấu tăng tỷ lệ khám bệnh từ 10-15% so với năm trước; tăng công suất sử dụng giường bệnh; tăng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao ở tất cả các lĩnh vực chuyên ngành. Duy trì và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Phấn đấu mỗi năm có từ 8-10 đề tài khoa học cấp cơ sở đều khắp các chuyên ngành; 5-7 kỹ thuật mới được triển khai hiệu quả.
Bên cạnh thành công, Bệnh viện vẫn còn không ít khó khăn, vì hiện nay, trang thiết bị của bệnh viện còn thiếu về chủng loại, nhu cầu điều trị đã vượt quá quy mô số giường bệnh. Để thực hiện xã hội hóa đối với bệnh viện tuyến huyện miền núi là điều vô cùng khó khăn, cần có lộ trình phù hợp... Vì vậy, bệnh viện rất cần huyện, tỉnh cũng như của Bộ Y tế tiếp tục quan tâm đầu tư, để bệnh viện phát huy tốt năng lực của mình, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.