Sáng 26/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng tổ chức Hội thảo Xây dựng nông thôn mới gắn với Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Văn Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc, Hội đồng dân tộc Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp và một số sở, ban, ngành, địa phương; đại diện hộ dân địa bàn các huyện triển khai mô hình giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý, gồm: Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Đăk Hà và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum).
Chủ tịch LHH Đỗ Ngọc Thọ phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Tổng cục Lâm nghiệp giới thiệu những nét cơ bản của Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 4 (ngày 15/11/2017), đồng thời nghe đại diện Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng giới thiệu một số nội dung mới và chính sách mới về hỗ trợ về bảo vệ và phát triển rừng của Luật Lâm nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số và chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư...
Ông Trần Ngọc Bình - Tổng Cục Lâm nghiệp giới thiệu về Luật Lâm nghiệp
Hội thảo cũng đã được nghe đại diện Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo tham luận về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum và những giải pháp gắn xây dựng nông thôn mới gắn với Luật Lâm nghiệp. Nghe chia sẻ về hiệu quả giao đất, giao rừng và phát triển sinh kế dưới tán rừng ở huyện Tu Mơ Rông và chương trình giao đất, giao rừng tại huyện Kon Plông do Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng thực hiện từ năm 2015.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh Kon Tum có hơn 2/3 diện tích là rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là trên 603.047ha, với độ che phủ rừng của rừng là 62,2%; có trên 65% dân số sống ở nông thôn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Chính vì vậy, việc sản xuất kinh doanh từ rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là yếu tố thuận lợi để tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về thu nhập, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội...
Đại biểu thảo luận
Đại biểu thảo luận
Tuy diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng Hội thảo đã ghi nhận hơn 10 lượt ý kiến thảo luận và kiến nghị của các đại biểu về một số nội dung như: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng dân cư, hộ gia đình đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chính sách về phát triển, bảo vệ rừng, chính sách giao khoán trồng rừng, bảo vệ rừng, chính sách sử dụng rừng gắn với vấn đề sinh kế của người dân nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân; cần có chính sách cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thuê rừng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng để phát triển kinh tế rừng, phát triển xây dựng các trang trại nông lâm kết hợp, phát triển kinh tế dưới tán rừng... Nhận thức Luật Lâm nghiệp sẽ có giá trị quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Kon Tum, nhất là trong bối cảnh hiện nay, tiến độ xây dựng nông thôn mới đang chậm, chỉ tiêu xã nông thôn mới của tỉnh mới đạt 50% bình quân chung cả nước, là ý kiến được nhiều đại biểu đề cập và bàn biện pháp tháo gỡ.
Ông Nguyễn Tấn Liêm - Phó giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Tấn Liêm - Phó giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT, đồng chủ trì Hội thảo đã ghi nhận các ý kiến đã nêu, đánh giá Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Thông qua đây giúp cho các ngành chức năng kịp thời nắm bắt, tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực từ ngày 01/1/2019), đồng thời đẩy nhanh thực hiện chương trình mục thiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.