Cả nước hiện có 63 Liên hiệp hội địa phương. Tuy nhiên, về tổ chức biên chế và chế độ chính sách cho những người đang làm việc tại Liên hiệp hội mỗi địa phương áp dụng một kiểu, không đồng nhất; có bốn Liên hiệp hội địa phương không được giao định suất lao động nào, nhưng cũng có Liên hiệp hội được giao tới 23 biên chế; có nơi người lao động làm việc tại Liên hiệp hội được hưởng chế độ phụ cấp công vụ, có nơi không được hưởng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do cấp ủy đảng, chính quyền tại một số tỉnh/thành phố xác định Liên hiệp hội là tổ chức chính trị xã hội còn rất nhiều địa phương khác lại xem Liên hiệp hội là hội đặc thù.
Vì vậy, Liên hiệp hội địa phương là tổ chức chính trị - xã hội hay là hội đặc thù? Nên áp dụng chế độ chính sách đối với những người đang làm việc tại Liên hiệp hội địa phương như thế nào cho đúng ? Trước khi bàn luận về vấn đề này, chúng ta hãy cùng rà soát lại các văn bản của Đảng và Chính phủ có tác động đến Liên hiệp hội địa phương :
Theo Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khẳng định: “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt
Quyết định số 1795/QĐ-TTg ngày 21-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Điều lệ Liên hiệp Hội Việt Nam khẳng định: “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam…”,“ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Công văn số 243/BNV-TCPCP ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn một số vướng mắc về tổ chức hoạt động và quản lý hội đã xác định “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam là tổ chức chính trị - xã hội”.
Ngoài ra, để thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị, hầu hết các tỉnh/ thành ủy và UBND các tỉnh/ thành phố đều xây dựng chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị này, trong các chương trình hành động đó, đã xác định Liên hiệp hội địa phương là tổ chức chính trị - xã hội.
Như vậy, từ Trung ương đến địa phương, từ hệ thống Đảng đến chính quyền đều xác định Liên hiệp hội địa phương là tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, sở Nội vụ tại nhiều địa phương không nghiên cứu kỹ các văn bản nêu trên, chỉ căn cứ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, tham mưu lãnh đạo tỉnh/thành phố xem Liên hiệp hội địa phương là hội có tính chất đặc thù và tham mưu biên chế, chế độ chính sách cho các Liên hiệp hội địa phương như cho hội đặc thù, không phải biên chế, chính sách như một tổ chức chính trị - xã hội.
Điều đáng bàn ở đây là, Đảng và Chính phủ xác định Liên hiệp hội địa phương là tổ chức chính trị - xã hội và là hội đặc thù đều là để nhằm tạo điều kiện hoạt động tốt cho các Liên hiệp hội địa phương và có chính sách đãi ngộ tương xứng cho những người đang làm việc tại Liên hiệp hội. Chính sách cho tổ chức chính trị - xã hội có nhiều ưu đãi hơn so với chính sách áp dụng đối với hội đặc thù, đây là điều không cần tranh luận. Liên hiệp hội địa phương thuộc phạm vi điều chỉnh của cả hai chính sách này, thì về nguyên tắc, đương nhiên phải áp dụng chính sách có lợi hơn đối với đối tượng thụ hưởng là Liên hiệp hội.
Với các luận điểm như trên, có thể nói, Liên hiệp hội địa phương vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là hội đặc thù, nhưng về tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ chính sách xứng đáng được hưởng như một tổ chức chính trị - xã hội.