Các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc phát hiện ba hố đen xoay tròn trong vũ trụ với tốc độ cực nhanh.
Phát hiện về hai hố đen sáp nhập khá phổ biến trong cộng đồng khoa học. Tuy nhiên, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế tỏ ra bối rối khi bắt gặp ba hố đen khổng lồ đang trên đà đâm vào nhau. Cụm hố đen này được gọi chung là SDSS J0849+1114. Các nhà nghiên cứu phân loại chúng là nhân thiên hà hoạt động (AGN). Họ tiến hành quan sát chi tiết SDSS J0849+1114 bằng kính viễn vọng vũ trụ Hubble, Đài thiên văn tia X Chandra và Kính đo giao thoa vô tuyến.
Sử dụng dữ liệu thu thập từ nhóm thiết bị trên, nhóm nghiên cứu kết luận ba hố đen bị mắc kẹt trong quỹ đạo của nhau. Những đám mây khí gas bao quanh và cung cấp thức ăn cho cụm hố đen di chuyển ở tốc độ 500 - 1.000 km/giây. Kết quả quan sát chỉ ra khi các hố đen tiếp tục xoay quanh nhau, cụm của chúng sẽ thu nhỏ dần cho tới khi chúng đâm vào nhau. Vụ va chạm cực mạnh này có thể xảy ra trong vòng hai tỷ năm tới.
Dù biết chắc vụ va chạm sẽ xảy ra, nhóm nghiên cứu không rõ điều gì sẽ xuất hiện sau đó. Họ đặt giả thuyết bộ ba sẽ tạo thành một hố đen siêu khối lượng hoặc chỉ có hai hố đen sáp nhập. Nếu đúng như trường hợp đầu tiên, sự kiện có thể giải thích bản chất của lõi hố đen khổng lồ tìm thấy trong những thiên hà hình elip như M87. Theo nhóm nghiên cứu, các hệ thống hố đen tương tự có thể phổ biến hơn trong vũ trụ thuở sơ khai, khi thiên hà sáp nhập thường xuyên hơn.