Phát huy vai trò hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

          Thời gian qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tích cực thực hiện hoạt động Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB và GĐXH), góp phần xây dựng các chương trình, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một buổi sinh hoạt của CLB Trí thức KHCN tỉnh

Liên hiệp hội đã phối hợp với các tổ chức Hội thành viên đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng TVPB và GĐXH, góp phần xây dựng, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển KT-XH của địa phương. Hoạt động TVPB và GĐXH của Liên hiệp hội đều hướng đến 3 mục tiêu cơ bản là: Phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp; khuyến nghị để hoàn thiện hoặc nâng cao hiệu quả của chương trình, dự án; cung cấp cơ sở, luận cứ khoa học và thực tiễn một cách độc lập, khách quan phục vụ quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện.

Thời gian qua, nhiều ý kiến TVPB và GĐXH của Liên hiệp hội đã được tiếp nhận sử dụng trong hoạch định chính sách được ghi nhận đánh giá cao, có thể kể đến như: góp ý các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; các đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 (tầm nhìn đến 2025) của các huyện, thành phố; tham gia đóng góp ý kiến vào các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch hành động triển khai chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Kon Tum thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng các vùng kinh tế động lực của tỉnh, phát triển thủy sản, quy hoạch ngành nghề nông thôn...

Các hoạt động tham mưu, TVPB và GĐXH của Liên hiệp hội và các Hội thành viên ở địa phương được đẩy mạnh, nhờ đó đã có tác động mạnh mẽ đối với sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp thiết thực trong công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và triển khai những dự án lớn của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, hoạt động TVPB và GĐXH có một số bất cập, khó khăn và hạn chế. Trong đó có nguyên nhân là chưa tập hợp được các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài tỉnh để thực hiện nhiệm vụ TVPB và GĐXH. Kinh phí dành cho công tác TVPB và GĐXH phần lớn chưa được các chủ đầu tư dự toán trong kinh phí tổng thể của các chương trình, dự án dẫn đến việc chi trả còn nhiều lúng túng. Bên cạnh đó nhận thức của chủ đầu tư, một số đơn vị, tổ chức còn e ngại đề án, dự án của mình bị phản đối, thay đổi... khi thông qua công tác TVPB và GĐXH nên chưa chủ động phối hợp đề xuất, kiến nghị xem xét tư vấn, phản biện đối với các nhiệm vụ thuộc diện bắt buộc phải có ý kiến tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội khiến cho việc thực hiện còn khó khăn. 

Để khẳng định vai trò TVPB và GĐXH của Liên hiệp hội đối với các vấn đề KT-XH của tỉnh và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động này, ngày 27/9/2017, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND, quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Kon Tum. Quy định nêu rõ nội dung, cách thức tiến hành của hoạt động TVPB và GĐXH; trong đó quy định rõ các loại đề án phải có TVPB và GĐXH gồm: các đề án quy hoạch tổng thể phát triển KH-XH, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm cấp tỉnh, cấp huyện; các chương trình, dự án quan trọng, công trình trọng điểm của tỉnh cần sự phê duyệt của HĐND tỉnh; các đề án lớn về phát triển KHCN, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên và môi trường do UBND tỉnh quyết định; các chương trình, đề án, dự án khác theo yêu cầu của UBND tỉnh; đề án do các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh đặt hàng Liên hiệp hội và đề án do Liên hiệp hội đề xuất tư vấn, phản biện, giám định xã hội được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền… Đây là cơ hội tốt để đội ngũ trí thức trong tỉnh tham gia, đóng góp vào quá trình phát triển KT-XH của địa phương thông qua hoạt động TVPB và GĐXH.

Trên tinh thần Quyết định 48 của UBND tỉnh tạo cơ hội cho Liên hiệp hội tổ chức tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức KHCN đóng góp ý kiến tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND có thêm căn cứ, cơ sở để quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động TVPB và GĐXH của Liên hiệp hội, làm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan thống nhất cao về mục đích, hiệu quả, sự cần thiết cần có tư vấn, phản biện đối với các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định. Bên cạnh đó Liên hiệp hội tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hỗ trợ chuyên gia, phát huy cao nhất trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức; thực hiện tốt chức năng TVPB và GĐXH vì lợi ích cộng đồng. 

Phát huy cao nhất trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KHCN, đẩy mạnh các hoạt động TVPB và GĐXH để các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án, đề án của tỉnh, các quyết định của các cấp lãnh đạo và các cơ quan Nhà nước có cơ sở, luận cứ khoa học vững chắc, độc lập và khách quan, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH ở địa phương.

Các tin, bài khác