Hội thảo góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)
Ngày 5/5 Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Trung tâm Tư vấn Quản lý bền vững tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á/ Việt Nam (Trung tâm Cirum) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu đại diện các sở, ngành liên quan, cộng đồng dân cư và các chủ rừng; lãnh đạo Liên hiệp hội tỉnh Kon Tum, Gia Lai; đại diện Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm 5 tỉnh Tây Nguyên; các chuyên gia, nhà khoa học ở Trung ương và các địa phương.
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Khóa XI ngày 03/12/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2005 (Luật BV và PTR 2004). Qua 12 năm thực hiện, Luật BV và PTR 2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng bảo vệ và phát triển rừng, chuyển từ nền lâm nghiệp quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Sau hơn 12 năm, diện tích rừng từ 12,306 triệu ha với độ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên 14,061 triệu ha với độ che phủ rừng 40,84% năm 2015; sản lượng gỗ rừng trồng đạt 18 triệu m3 và kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,3 tỷ USD vào năm 2016.
Bên cạnh những hiệu quả đạt được thì Luật BV và PTR 2004 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên, lấn chiếm đất; sản xuất lâm nghiệp bị chia cắt, thiếu liên kết, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; công nghiệp chế biến lâm sản trong nước vẫn chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng suất, giá trị gia tăng thấp; đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế, thu nhập của người làm nghề rừng thấp...
Theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XIV, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua vào cuối năm 2017. Đến thời điểm đầu tháng 3/2017, Dự thảo sửa đổi Luật BV&PT rừng đã hoàn thành Dự thảo 5, Chính phủ đã trình Quốc hội thẩm tra và thảo luận vào kỳ họp thứ 3, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2017 và dự kiến thông qua vào tháng 10/2017. Do vậy, việc tổ chức Hội thảo lần này để có các ý kiến đóng góp bổ sung của các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý chuyên ngành lâm nghiệp, các chủ rừng và các bên liên quan cho Dự thảo luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các nhóm vấn đề như bố cục Dự thảo, chức năng của lực lượng nòng cốt trong thực thi pháp luật và trong quản lý, bảo vệ rừng; vấn đề giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, đặc biệt là đối với hộ và cộng đồng dân cư; vấn đề công khai, minh bạch và động viên sự tham gia của người dân vào giám sát trong quá trình thực hiện các chính sách trong quản lý rừng; chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm Luật BV&PT rừng. Ý kiến trong hội thảo đã đề cập tới hơn 50% số điều trong dự thảo, đặc biệt là các điều khoản quy định về rừng cộng đồng, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn môi trường sống, môi trường văn hóa cư dân bản địa đã gắn bó lâu đời với rừng.
Qua Hội thảo lần này các đại biểu tin tưởng, với tính sát thực tế, phù hợp của Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), Luật có hiệu lực sẽ khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng. Đồng thời mong muốn sau khi Luật được ban hành có thể đi vào cuộc sống vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế rừng, ổn định cuộc sống và bảo vệ môi trường sinh thái.

QM
 
Các tin, bài khác