Hội thảo phát triển năng lượng điện mặt trời

           Ngày 10/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum phối hợp với Sở Công thương, Công ty Điện lực Kon Tum tổ chức Hội thảo Phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật về phát triển năng lượng điện mặt trời phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự có 100 đại biểu đại diện cho các Sở, ban, ngành, các đơn vị chuyên môn, lãnh đạo các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu lắp đặt năng lượng điện mặt trời và các doanh nghiệp cung cấp thiết bị thi công, lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp hội phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo số liệu thống kê của Sơ Công thương, tỉnh Kon Tum có số giờ nắng trung bình cả năm khoảng trên 2500h, phân bố tương đối đều quanh năm, lượng bức xạ tổng cộng thực tế hàng năm là 1.568,9 kWh/m2, trung bình ngày là 4,3kWh/m2. Mặt khác, với địa hình, diện tích đồi núi và mặt nước các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh ít bị tác động do gió bão gây ra, nên rất thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời với tiềm năng khoảng trên 7.000MWp.

Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã thống nhất để các nhà đầu tư khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển năng lượng điện 32 dự án với tổng quy mô công suất khoảng 6.782,637MWp. Đến nay, đã có 660 dự án điện mặt trời trên mái nhà, tổng công suất 31,35 MW đã đưa vào vận hành.

Tại Hội thảo, các ngành chuyên môn, các doanh nghiệp, cá nhân đã trao đổi, làm rõ những lợi ích từ việc sử dụng năng lượng sạch; vai trò hệ thống điện mặt trời trên mái nhà trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; các cơ chế, chính sách vay vốn tại các ngân hàng thương mại để đầu tư hệ thống điện mặt trời; các chính sách khuyến khích liên quan, hướng dẫn thủ tục đấu nối lưới điện, cơ chế mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời; giới thiệu công nghệ - kỹ thuật lắp đặt và chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án điện mặt trời đã triển khai trong thực tế…

Qua đây, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nắm bắt các cơ chế khuyến khích phát triển, cơ chế tài chính, khả năng thu hồi vốn, quy trình vận hành cũng như tiện ích đem lại trong phát triển các dự án điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái hòa lưới nói riêng, góp phần tiến tới việc chủ động đảm bảo nguồn cung cấp điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các tin, bài khác