Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu vận động, tập hợp, phát huy vai trò, trí tuệ của đội ngũ trí thức, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi to lớn, sâu sắc trên mọi mặt của đời sống xã hội. Trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng, vai trò của đội ngũ trí thức là hết sức to lớn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Tạo điều kiện môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức, nhà khoa học phát huy tốt năng lực; nâng cao chất lượng hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Câu lạc bộ trí thức tỉnh”. Để đội ngũ trí thức toàn tỉnh tham gia tích cực, có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng quê hương, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh (Liên hiệp hội) đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức là người Kon Tum trên khắp mọi miền đất nước thành một lực lượng hùng hậu, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, phát triển.
Liên hiệp hội tỉnh nhận bức trướng của Ban Thường vụ Tỉnh Ủy trao tặng
15 năm qua, Liên hiệp hội Kon Tum đã không ngừng lớn mạnh, hệ thống tổ chức phát triển nhanh chóng. Năm 2006, khi mới thành lập có gần 3 nghìn hội viên thì nay đã có hơn 4.000 hội viên (chưa tính hội viên Hội Khuyến học gần 60 nghìn người) tham gia hoạt động ở 13 tổ chức Hội thành viên. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, xã hội, sự nghiệp giáo dục đào tạo, số lượng trí thức tỉnh Kon Tum được bổ sung và tăng nhanh, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Theo thống kê, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh 9.500 người (có trình độ đại học trở lên), trong đó có 755 người có trình độ thạc sỹ và tương đương, 36 người có trình độ tiến sỹ. Trí thức Kon Tum có mặt hầu hết trong các lĩnh vực đời sống xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các lĩnh vực hoạt động KH&CN và các doanh nghiệp. Đội ngũ trí thức đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực nâng cao trình độ về mọi mặt, là lực lượng quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh cho biết: “Trong những năm qua, hoạt động của Liên hiệp các Hội KHKT và đội ngũ trí thức Kon Tum có nhiều chuyển biến, đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh về KT-XH, đảm bảo QP-AN, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các đề tài, dự án được triển khai có hiệu quả và được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Việc ứng dụng các tiến bộ về KH&CN đã thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, góp phần vào việc tăng năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập”.
Trên các lĩnh vực, trí thức các ngành đã thực hiện nhiều quy trình công nghệ mới, giúp các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, phát triển thị trường. Đội ngũ trí thức đã có hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học, và hơn một nửa trong số đó được ứng dụng vào thực tiễn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mô, hom để sản xuất giống cây trồng, cây dược liệu phục vụ trong sản xuất như chuối, dâu tây, các loại phong lan, địa lan, sâm Ngọc Linh, đảng sâm, lan kim tuyến, đương quy, ngũ vị tử...; Triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới như: phẫu thuật điều trị lõm ngực, phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, cắt thùy phổi, đặt Stent động mạch chậu đùi, phẫu thuật tuyến giáp bằng sóng cao tần, thay đoạn động mạch chủ bụng...; triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến như thay khớp gối, thay khớp háng, nội soi khớp, phẫu thuật Phaco, phẫu thuật nội soi TMH, điều trị nhồi máu cơ tim, nhồi máu não bằng tiêu sợi huyết, thay huyết tương siêu lọc máu...
Hội thảo bảo vệ môi trường gắn với xây dựng Nông Thôn Mới do Liên hiệp hội tổ chức
Bên cạnh đó, Liên hiệp hội đã tham gia góp ý kiến thẩm định hơn 249 dự thảo Quyết định, Kết luận, Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; thực hiện nhiệm vụ phản đánh giá tác động môi trường 216 dự án; tham gia ý kiến nhận xét 348 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh; tham gia nhận xét, đánh giá 104 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Xuất bản 71 số bản tin “Khoa học kỹ thuật và đời sống”; phối hợp triển khai các dự án hỗ trợ các cộng đồng thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng gắn với sinh kế, tập quán văn hóa truyền thống và du lịch sinh thái, bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt cho người dân địa phương tại các huyện Sa Thầy, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà. Tổ chức có hiệu quả các Hội thi, Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật, qua đó nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Chặng đường đã qua, Liên hiệp hội Kon Tum đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong lao động, sáng tạo vì sự phát triển của tỉnh, nhưng nhìn nhận khách quan, toàn diện, hoạt động của Liên hiệp Hội và đội ngũ trí thức vẫn còn những hạn chế nhất định. Cơ cấu đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực chưa phù hợp; thiếu cán bộ, chuyên gia ngành nghề về kinh tế, quản lý doanh nghiệp, về các lĩnh vực công nghệ; chưa làm tốt việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của ngành, lĩnh vực, địa phương và giải quyết thỏa đáng những vấn đề do thực tiễn đặt ra; hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm hàng hoá chưa cao...
Theo ông Đặng Thanh Long, để đội ngũ trí thức toàn tỉnh tham gia tích cực, có hiệu quả trong sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh, thời gian tới, Liên hiệp hội tỉnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đưa khoa học, công nghệ đến với nhân dân, nhất là đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Động viên, cổ vũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công tác, năng suất lao động. Tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các chương trình, dự án, đề án lớn. Bên cạnh đó, tham vấn cho cấp uỷ, chính quyền xây dựng cơ chế, chính sách về chiến lược phát triển khoa học công nghệ, kế hoạch đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao; khuyến khích, thu hút, trọng dụng nhân tài, đặc biệt các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành...
Bước vào một giai đoạn phát triển mới, nhiều yếu tố thuận lợi, thời cơ, vận hội mới, song cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức. Với trách nhiệm của mình, Liên hiệp các Hội KH&KT Kon Tum và đội ngũ trí thức của tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, cùng với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần đưa Kon Tum phát triển toàn diện.