Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ phát triển đông y và y học cổ truyền, Hội Đông y tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT), nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc nam trong điều trị, góp phần cùng với ngành Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bác sĩ Chuyên khoa II YHCT Đoàn Thị Tuần - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, những năm qua, hoạt động của các cấp Hội Đông y trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Công tác tăng cường y, dược cổ truyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” được ngành Y tế trong tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Hội Đông y tỉnh có mạng lưới đều khắp các huyện, thành phố với 189 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 12 Chi hội cơ sở, (08 Chi hội huyện, thành phố, 03 chi hội đơn vị tuyến tỉnh và 01 chi hội lực lượng vũ trang).
Hội Đông y tỉnh luôn xác định, việc kế thừa các bài thuốc gia truyền là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm giữ gìn tài sản quý giá của nền đông y, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên, nhất là hội viên trẻ. Đến nay, Hội Đông y tỉnh đã sưu tầm 53 bài thuốc kinh nghiệm dân gian của hầu hết các dân tộc trong tỉnh và các bài thuốc ở một số địa phương khác để phổ biến rộng rãi đến các hội viên nghiên cứu, học tập và áp dụng trong điều trị.
Trong giai đoạn 2015-2020, các phòng, trạm chẩn trị thuộc Hội Đông y tỉnh đã thực hiện khám và điều trị cho hơn 1,2 triệu lượt bệnh nhân. Bên cạnh đó, công tác khám chữa bệnh từ thiện luôn được các cấp hội coi trọng, thực hiện thường xuyên, hàng năm đã tổ chức khám bệnh từ thiện và miễn, giảm tiền thuốc cho hàng trăm lượt bệnh nhân.
Khám chữa bệnh tại Khoa Đông y - Bệnh viên đa khoa tỉnh
Để nâng cao chất lượng điều trị, thực hiện phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại chỗ”, xây dựng “tủ thuốc xanh”, một số hội cơ sở đã kết hợp với trạm y tế xây dựng vườn thuốc mẫu tại trạm. Đồng thời, hướng dẫn người dân biết cách trồng và sử dụng một số cây thuốc nam để điều trị những bệnh thông thường, trồng các loại cây vừa làm cảnh vừa làm thuốc. Trong 5 năm qua, Hội Đông y tỉnh đã tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức các Hội thảo khoa học về trồng và sử dụng cây thuốc nam, về phát triển đông y tuyến xã; tổ chức nghiên cứu 9 đề tài khoa học phục vụ nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Theo Bác sĩ Đoàn Thị Tuần, bên cạnh những kết quả đạt được,
hiện nay, hoạt động của các cấp Hội Đông y trong tỉnh còn gặp một số khó khăn vì 100% cán bộ làm công tác hội là kiêm nhiệm; do thiếu kinh phí, các cấp hội chưa tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn cho hội viên; đội ngũ thầy thuốc làm công tác YHCT tuy đã được bổ sung số lượng nhưng trình độ chưa cao nên có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng khám chữa bệnh. Đặc biệt, đội ngũ lương y, lương dược tại một số địa bàn vùng sâu vùng xa còn ít, nên chưa thành lập được Hội Đông y cấp xã.
Để tiếp tục phát huy vai trò của đông y trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian tới, bám sát sự chỉ đạo của ngành y tế, Hội Đông y tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu... Duy trì thường xuyên việc sử dụng các chế phẩm y học cổ truyền trong điều trị bệnh. Tiếp tục kiện toàn hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và quản lý nhà nước về đông y ở các tuyến. Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, chế biến dược liệu…, góp phần phát triển nền y học cổ truyền tương xứng với vai trò và tiềm năng sẵn có. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho nhân dân sử dụng các bài thuốc bằng phương pháp y học cổ truyền để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, ứng phó với dịch bệnh Covd-19” - Bác sĩ Đoàn Thị Tuần cho biết thêm.