Trong những năm qua, Hội Luật gia tỉnh đã tích cực tham gia góp ý nhiều dự án, dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư... và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh. Qua đó đã khẳng định vị trí, vai trò của cán bộ, hội viên Hội Luật gia, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham gia xây dựng pháp luật của Hội Luật gia tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng nội dung tham gia ý kiến đối với một số dự thảo Luật chưa sâu; chưa thư hút đông đảo cán bộ, hội viên các cấp Hội trong tỉnh tham gia góp ý, nhất là đội ngũ luật gia đang công tác trong các cơ quan pháp luật; chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên trực tiếp nghiên cứu, tham gia ý kiến vào dự thảo Luật chưa được đảm bảo…
Để tiếp huy tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật trong thời gián tới, Hội Luật gia tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường phối hợp giữa Hội Luật gia tỉnh với các cơ quan đề nghị tham gia xây dựng pháp luật như Trung ương Hội, HĐND - UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong việc gửi dự thảo Luật đề nghị tham gia ý kiến, nhất là phải đảm bảo thời gian nghiên cứu, phân tích, đánh giá và hoàn chỉnh nội dung tham gia ý kiến vào dự thảo Luật.
Thứ hai, thường xuyên kiện toàn, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, hội viên về công các xây dựng pháp luật; tập hợp, khai thác trí tuệ, năng lực của những luật gia có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, nhất là các luật gia đang công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát,…Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác góp ý, thẩm định dự thảo Luật; phải khẳng định giá trị pháp lý của văn bản tham gia ý kiến của Hội Luật gia tỉnh đối với cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật.
Thứ ba, tổ chức các hội nghị, hội thảo tham gia dự thảo Luật để cán bộ, hội viên được trao đổi, thảo luận, thể hiện quan điểm của mình trong hoạt động góp ý, xây dựng dự thảo Luật, nhất là các dự thảo Luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống của xã hội.
Thứ tư, chủ động đề xuất với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, UBND tỉnh,… để đảm nhận một số nhiệm vụ trong hoạt động tham gia xây dựng pháp luật, như: chủ trì soạn thảo dự thảo Luật, chủ trì tổng hợp ý kiến hoặc phổ biến một số dự thảo Luật,… Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Hội Luật gia tỉnh với chính quyền địa phương.
Thứ năm, thường xuyên phối hợp với Trung ương Hội, Sở Tư pháp để tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên; nâng cao kỹ năng nghiên cứu, tham gia xây dựng pháp luật. Tổ chức cho cán bộ, hội viên được giao lưu, học tập kinh nghiệm của Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tham gia xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Thứ sáu, chủ động cân đối nguồn kinh phí hiện có để hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, hội viên trực tiếp tham gia góp ý vào dự thảo Luật, nhất là những văn bản tham gia góp ý có chất lượng, hiệu quả, được cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật ghi nhận và đánh giá cao.