Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 6 Chương 60 Điều đã sửa đổi căn bản những vấn đề hạn chế hiện tại, trong đó tập trung vào phạm vi điều chỉnh, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, biện pháp thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý Nhà nước hoạt động chuyển giao công nghệ.
Với Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), một loạt biện pháp đã được đưa vào Luật theo hướng tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó các tổ chức trung gian được quan tâm, hỗ trợ để thực hiện vai trò kết nối giữa bên cung và bên cầu công nghệ như: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian...
Về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ...
Để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt
Luật cũng tập trung vào việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, ngăn chặn, hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam cũng như ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Điều này thể hiện ở các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý chuyển giao công nghệ. Cơ chế bắt buộc đăng ký chuyển giao công nghệ là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam đã tạo nên một bộ lọc để cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát nhằm ngăn chặn việc gian lận, chuyển giá qua hoạt động chuyển giao công nghệ. Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Đối với nội dung khuyến khích, hỗ trợ hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, Luật đã bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ. Cụ thể, đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.
Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, Luật đã dành 1 Điều quy định về hoạt động này, trong đó quy định phương thức, hình thức, loại hình chuyển giao công nghệ đặc thù trong nông nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.
Có thể nói, Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã kế thừa những nội dung tiến bộ của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới Luật để sớm ban hành, đưa Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.