Sáng tạo kỹ thuật >> Kết quả sáng tạo kỹ thuật
(Đăng lúc: 18/02/2020 09:07:44 AM)
Sáng chế bình phun bằng điện ắc quy từ nhựa PVC

            Chiếc bình phun bằng điện ắc quy có thể điều chỉnh tốc độ phun, tiện dụng cho các hộ gia đình có nhu cầu chăm sóc hoa, cây cảnh và quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ. Đặc biệt, giá thành để sản xuất một chiếc bình phun này chỉ khoảng 400 ngàn đồng.

Anh Nguyễn Công Thủy sử dụng bình phun bằng điện ắc quy do anh sáng chế để chăm sóc vườn rau của gia đình. Ảnh: H.Yến

Bình phun bằng điện ắc quy là sáng chế của anh Nguyễn Công Thủy, giáo viên Trường THCS Long Đức (huyện Long Thành).

Sáng chế hữu ích

Hiện nay ở nước ta, hình ảnh những người nông dân đeo theo chiếc bình phun thuốc nặng trĩu sau lưng, cánh tay mỏi rời vì phải gạt cần phun thuốc vẫn còn khá phổ biến.  “Với cách phun thuốc bảo vệ thực vật thủ công như vậy, tốc độ phun sẽ chậm và phải dùng nhiều sức hơn, hít phải nhiều hóa chất độc hại hơn... Đó là những trăn trở khiến tôi có ý tưởng sáng chế một chiếc bình phun thuốc để giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, đồng thời giúp người dùng hạn chế được việc hít phải hóa chất độc hại từ các loại thuốc bảo vệ thực vật”- anh Thủy chia sẻ.

Thực tế, trên thị trường hiện có rất nhiều bình phun bằng điện ắc quy. Những loại bình này chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với giá bán hơn 1 triệu đồng/bình. Giá thành không quá đắt để 1 hộ nông dân đầu tư cho sản xuất nhưng điều bất tiện là nếu bình bị hư hỏng trong quá trình sử dụng thì người dân không thể tự sửa chữa được.

Vì thế, tiêu chí làm bình phun thuốc của anh Thủy là phải đơn giản, dễ sử dụng, nguyên liệu sản xuất dễ tìm và người nông dân nào cũng có thể tự sửa chữa được. Sau nhiều tháng mày mò, nghiên cứu, anh Thủy đã hoàn thiện được chiếc bình phun bằng điện ắc quy. Theo đó, bình có kết cấu khá đơn giản gồm: bình chứa nước làm từ ống nhựa PVC, bình ắc quy điện, nút điều chỉnh tốc độ phun với tổng chi phí 400 ngàn đồng.

Hoạt động của bình phun bằng điện ắc quy dựa trên áp lực tạo ra của motor khi có dòng điện đi qua. Motor được gắn với bình ắc quy 12V, thông qua 1 công tắc điều chỉnh dòng. Khi công tắc được mở, motor nhận được điện từ bình và tạo áp lực để phun. Muốn điều chỉnh tốc độ phun, người dùng chỉ cần vặn công tắc theo chiều kim đồng hồ để tăng tốc độ hoặc vặn ngược chiều kim đồng hồ để giảm tốc độ phun. Vì điều chỉnh được tốc độ phun nên đầu vòi phun có thể gắn nhiều béc phun tùy theo nhu cầu sử dụng.

“Sở dĩ tôi chọn ống nhựa PVC để làm thùng chứa nước là vì ống nhựa này có thể chống được sự ăn mòn của thuốc ở bên trong, không bị rò rỉ thuốc ra ngoài lại chống va đập hiệu quả. Ngoài ra, ống nhựa PVC rất phổ biến nên người dân nào cũng có thể tự mua để làm được. Người dân có thể chọn loại ống phi 168mm đến phi 220mm; chiều dài khoảng 50-60cm tùy nhu cầu sử dụng” - anh Thủy cho biết thêm.

Thầy giáo đam mê sáng tạo

Sáng chế bình phun bằng điện ắc quy đã mang đến cho anh Thủy giải nhì chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2019. Đây không phải là giải thưởng duy nhất mà thầy giáo dạy hóa học này đạt được. Năm 2015, anh Thủy đã đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai với sản phẩm Thiết bị lọc nước làm từ ống nhựa PVC.

Cũng với tiêu chí đơn giản, thiết thực, dễ làm, chi phí thấp, anh Thủy đã dùng ống nhựa PVC và những vật liệu có sẵn, dễ tìm tại địa phương như: cát, sỏi, xơ dừa, gáo dừa, đá ong, vỏ hàu, sò... làm bình lọc nước. Thiết bị lọc nước này có thể áp dụng ở nhiều nơi, chỉ trừ những vùng có nguồn nước bị nhiễm asen. Tốc độ lõi lọc lớn có công suất lọc đạt từ 1.000-1.200 lít/giờ, còn lõi lọc nhỏ đạt 180-200 lít/giờ.

Ngoài những sáng chế phục vụ đời sống, anh Thủy cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm phục vụ công tác chuyên môn. Trong đó, sáng chế bộ thí nghiệm chất khí đã và đang được sử dụng có hiệu quả ngay tại Trường THCS Long Đức. Bộ thí nghiệm này cũng làm từ những vật liệu phổ biến, chi phí thấp như: bình nhựa, dây truyền dịch y tế, bong bóng.

Ngoài các dụng cụ thí nghiệm như: giá đỡ, kẹp ống nghiệm, bình cầu có nhánh hay ống nghiệm có nhánh, nút cao su, ống hút nhỏ giọt... bộ thí nghiệm này còn có khóa điều chỉnh lượng khí thoát ra (được chế từ dây truyền dịch) và bình chứa chất khí. Đối với một số bài học có thí nghiệm của chất khí như O2 , C2H2... người dùng chỉ cần lắp ráp dụng cụ và cho hóa chất một lần để điều chế chất khí, chất khí được điều chế sẽ lưu giữ trong bình để thực hiện cho nhiều thí nghiệm của bài học.

Ưu điểm của bộ thí nghiệm là tiết kiệm thời gian làm thí nghiệm, tiết kiệm hóa chất, giảm độc hại, giảm sử dụng một số dụng cụ thí nghiệm (như: ống nghiệm, bình cầu...), tăng hiệu quả thí nghiệm, tăng sự thuyết phục và gây hứng thú ở một số thí nghiệm chất khí.  

Sáng chế có tính ứng dụng cao

Những sáng chế của anh Nguyễn Công Thủy đều có tính ứng dụng cao và hiện đang được sử dụng trong thực tế, trong đó, bình phun bằng điện ắc quy có thể hoạt động liên tục từ 7-8 giờ. Thiết kế bình đơn giản, dễ sử dụng, có thể xách tay hoặc đeo vai nên rất gọn nhẹ, thoải mái khi di chuyển. Đến nay, anh Thủy đã làm được 20 chiếc bình phun này để phục vụ bà con nông dân. Ngoài những hộ nông dân ở Long Thành, anh Thủy còn hướng dẫn cho những nông dân ở quê nhà (Nghệ An) làm bình phun bằng điện ắc quy này để sử dụng.

Sản phẩm bình phun bằng điện ắc quy được Ban giám khảo chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập năm 2019 đánh giá cao vì hiệu quả kinh tế (chi phí sản xuất thấp), có yếu tố kỹ thuật (phun bằng điện ắc quy, tiết kiệm sức lao động), có tính thẩm mỹ và tiện dụng.

Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/sang-che-binh-phun-bang-dien-ac-quy-tu-nhua-pvc-2988722/

 

Hải Yến

THÔNG TIN CẦN BIẾT
0/9
33.JPG
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Tọa đàm sản xuất sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Kon Plông
1/9
34.jpg
Tọa đàm sản xuất sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Kon Plông
2/9
35.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thi STKT phát biểu tại Lễ tổng kết trao giải Hội thi, Cuộc thi năm 2020-2021
3/9
36.jpg
Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp hội phát biểu khai mạc Lễ Tổng kết và trao giải Hội thi STKT lần thứ 9 và Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ lần thứ 13 (năm 2020-2021)
4/9
37.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi STKT trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tác giả đạt giải cao tại Cuộc thi lần thứ 13
5/9
38.jpg
Trao giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải Nhì Cuộc thi lần thứ 13
6/9
39.jpg
Trao giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải Khuyến khích Hội thi lần thứ 9
7/9
40.jpg
Trao giấy chứng nhận các các tác giả đạt giải Ba Cuộc thi lần thứ 13
8/9
41.jpg
Trao giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải Khuyến khích Cuộc thi lần thứ 13
VIDEO CLIP
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 51937
Đang trực tuyến: 1