Cách mạng công nghiệp 4.0 định nghĩa lại chúng ta là ai

             Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab khẳng định, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ không chỉ ảnh hưởng tới cách sống của con người mà còn định nghĩa lại chúng ta là ai.

Sự kiện đầu tiên của hội nghị Diễn đàn Kinh tế về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra sáng nay là Diễn đàn mở của hội nghị WEF ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo trong CMCN 4.0 do Bộ trưởng KHCN và Chủ tịch điều hành WEF đồng chủ trì.

Chủ tịch WEF Klaus Schwab

Phát biểu mở màn sự kiện, Chủ tịch WEF Klaus Schwab cho rằng, so với cuộc CMCN lần thứ 3, CMCN 4.0 toàn diện hơn.

Những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, robot… sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống, định nghĩa lại xem chúng ta là ai.

Ông cho rằng, kết thúc cuộc CMCN 4.0 này, con người sẽ chứng kiến sự kết hợp giữa công nghệ số, vật chất và tinh thần. 

Theo ông, đặc điểm nổi bật của cuộc CMCN 4.0 là tốc độ, những thứ mà vài năm trước tưởng chừng như bất khả thi, thì chỉ vài năm sau đã trở thành hiện thực.

Người sáng lập WEF kêu gọi thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ trên thế giới nói chung tiếp tục nỗ lực để nắm bắt những cơ hội lớn mà CMCN 4.0 đem lại.

Ông khẳng định, thúc đẩy cuộc cách mạng này không đồng nghĩa với việc con người sẽ trở thành nô lệ của robot và trí tuệ nhân tạo mà cần trở thành nhân tố làm chủ công nghệ mới, hiện đại, từ đó xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ cộng đồng, xã hội.

Bộ trưởng KHCN Chu Ngọc Anh

Con đường nhanh nhất để phát triển đột phá

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng KHCN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh CMCN 4.0 là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới.

Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế. KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0.

Bộ trưởng đề xuất trong khuôn khổ Diễn đàn tập trung thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của CMCN 4.0.

 

Các diễn giả tham gia thảo luận

 

Bộ trưởng mong muốn được tăng cường trao đổi, đối thoại và nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, hợp tác từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp của WEF, về các giải pháp, chương trình hành động thúc đẩy phát triển KHCN trong ASEAN, tăng cường năng lực liên kết giữa các nước ASEAN về đổi mới sáng tạo.

“Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Tại Diễn đàn mở, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đã tập trung trao đổi và thảo luận về tương lai của chính mình, trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN.

Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và chia sẻ khởi nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 với mong muốn xây dựng một ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người.

Các tin, bài khác