Nâng cao chất lượng, đổi mới trong giáo dục đào tạo là tiêu chí sống còn đối với một trường đại học trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay. Việc đổi mới giáo dục đào tạo là xu thế tất yếu của thời đại và theo chiến lược phát triển giáo dục được báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ XI “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.
Trường Đại học Lạc Hồng (ĐHLH) là một cơ sở giáo dục đa ngành, đa cấp học; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh tế và xã hội nhân văn. Nhà trường đảm bảo cung cấp và chăm lo những điều kiện học tập có chất lượng cho mọi người có nhu cầu đào tạo và đào tạo lại; mặt khác đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và hiểu biết chính trị cho thị trường lao động của tỉnh Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung. Trường Đại học Lạc Hồng đào tạo nhân lực cung cấp trực tiếp cho các Khu Công nghiệp, Khu chế xuất của tỉnh Đồng Nai và các khu vực lân cận. Chính vì thế trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo tỉ lệ 60% lý thuyết, 40% thực hành và tự học.
Một trong những nội dung đổi mới quan trọng ở Trường Đại học Lạc Hồng thực hiện trong thời gian qua là xây dựng chuẩn đầu ra (CĐR) với yêu cầu cao theo tiếp cận CDIO. CĐR thể hiện sự khẳng định về những điều mà một sinh viên cần phải biết, hiểu và có khả năng làm được khi kết thúc chương trình học. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn được đặt ra “Dạy cái gì? Và dạy như thế nào? Đối với các môn học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản và kiến thức đại cương để đảm bảo CĐR?”.
“CDIO” là cách thức tiếp cận về đào tạo theo định hướng năng lực đầu ra trong các trường đại học. Mô hình lý thuyết này cung cấp cơ sở khoa học và một hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo cho các cơ sở giáo dục đại học nhằm giải quyết được 2 vấn đề trọng tâm là: dạy sinh viên điều gì (Dạy cái gì?) và làm thế nào để sinh viên lĩnh hội được tri thức (Dạy như thế nào?). Như vậy các câu hỏi này cũng là mục đích mà chúng ta đã đặt ra ở trên, đó là những vấn đề cần giải quyết đối với giáo dục đại học nói chung và đào tạo kĩ thuật nói riêng trên toàn thế giới trong bối cảnh bùng nổ tri thức, công nghiệp hóa, quốc tế hóa và những vấn đề toàn cầu khác.
Hướng vào giải quyết những vấn đề đó, mô hình “CDIO” đã đề cập đến 12 tiêu chuẩn phản ánh toàn diện quá trình đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo theo hướng cải cách giáo dục kĩ thuật. Nhưng quan trọng hơn cả, theo tiếp cận CDIO thì CĐR được thiết kế cho các nhóm ngành đào tạo với 4 cấp độ đủ chi tiết để phát triển chương trình giảng dạy, thiết kế dạy học và đánh giá. Các nhà lý luận CDIO đã xây dựng được một danh sách chi tiết kiến thức và kĩ năng (đề cương “CDIO”) dưới dạng cấu trúc 4 cấp độ. Cấp độ 2 của đề cương CDIO (hình 1) một lần nữa khẳng định vai trò của các môn học thuộc khối kiến thức cơ bản đối với CĐR của chương trình đào tạo.
Qua phân tích trên có thể thấy rằng, những nghiên cứu theo tiếp cận CDIO cũng nhằm mục đích hướng đến việc dạy học như thế nào để SV khi ra trường đạt được CĐR đã xây dựng. Việc nghiên cứu này phải được thực hiện đối với từng môn học cụ thể trong chương trình đào tạo.
Môn học Toán Cao Cấp (TCC) là một môn thuộc khối kiến thức cơ bản và ngày nay các kiến thức thuộc về mảng này đã thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực và các ngành khoa học khác nhau. Các tri thức về TCC đã được ứng dụng một cách rộng rãi. Đặc biệt đối với ngành kinh tế, TCC không chỉ trang bị những kiến thức, kĩ năng logic mà còn là công cụ trong phân tích, nghiên cứu các vấn đề kinh tế xã hội. Hơn nữa, bên cạnh việc trang bị các kiến thức cơ bản cho nhiều môn học cơ sở và chuyên ngành của khối kinh tế như: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế lượng, … và rèn luyện các thao tác tư duy như: khái quát hóa, đặc biệt hóa, mô hình hóa, phát hiện và giải quyết vấn đề… thì việc học TCC còn góp phần rèn luyện các kỹ năng gắn với SV ngành kinh tế, như: kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; kỹ năng tự học; kỹ năng làm việc nhóm… Những kỹ năng này là một phần trong yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp đối với SV khối ngành kinh tế mà CĐR của nhà trường đã đặt ra. Nhưng, nên dạy học TCC như thế nào để có thể góp phần đáp ứng CĐR ở Trường Đại học Lạc Hồng thì hiện nay vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Dạy học Toán theo hướng bồi dưỡng năng lực, kỹ năng luôn là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Ở nước ngoài có A.N. Cônmôgôrôp, V.A. Gruchetxki,... Trong nước có Tôn Thân, Trần Đình Châu, Trần Luận,…Các nghiên cứu này đã tạo nên bức tranh nhiều màu sắc về năng lực nói chung và năng lực Toán học nói riêng. Hơn thế nữa, ở nước ta đã có một số công trình nghiên cứu về dạy học Toán cho SV kinh tế, kĩ thuật theo hướng bồi dưỡng và phát triển một năng lực cụ thể cho SV, chẳng hạn như: Luận án tiến sĩ Bùi Văn Hiến (2012), Vũ Quốc Khánh (2012),…Tuy nhiên chưa có nghiên cứu sâu, cụ thể nào về dạy học Toán cho SV kinh tế hướng đến đáp ứng CĐR.
Vì những lí do trên chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu “Tiếp cận CDIO trong dạy học TCC cho SV khối ngành kinh tế ở Trường Đại học Lạc Hồng hướng đến đáp ứng CĐR”.
II. Thực trạng dạy học môn học TCC đối với yêu cầu của CĐR ở trường Đại học Lạc Hồng
Qua các cuộc khảo sát, chúng tôi nhận thấy thực trạng dạy học TCC ở trường ĐHLH còn những hạn chế chủ yếu sau đây:
- Việc rèn luyện các kĩ năng giải quyết vấn đề chưa được thể hiện nhiều trong bài giảng. Đa số giảng viên đều giảng dạy theo phương pháp truyền thống là chủ yếu (nêu tri thức và áp dụng tri thức để giải các bài tập cụ thể), nên chưa chú trọng rèn luyện kĩ năng giải quyết vấn đề cho sinh viên.
- Chưa gắn việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập với nội dung thực tiễn, với yêu cầu nghề nghiệp. Chẳng hạn các đề kiểm tra, thi cuối kì vẫn nghiêng về kiểm tra các định lí, tính chất của toán học và được áp dụng cho tất cả các chuyên ngành đào tạo, mà chưa có sự tích hợp các bài toán mang tính ứng dụng trong thực tiễn nghề nghiệp cho sinh viên đối với các ngành nghề cụ thể.
- Chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học một cách có hiệu quả. Hiện nay ở trường, đa số giảng viên chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn sinh viên tính toán bằng máy tính cầm tay mà chưa sử dụng một phần mềm cụ thể (chẳng hạn Maple, Mathematica,…) để giải các bài toán hướng đến rèn luyện tư duy tựa thuật giải cho sinh viên…
- Chưa phát huy khả năng tự học, khả năng làm việc tập thể của sinh viên thông qua các bài tập nhóm, bài tập lớn ở nhà. Hiện tại, nhà trường chưa biên soạn hệ thống bài tập lớn của môn học, dẫn đến việc rèn luyện các kĩ năng trên chưa được thực hiện đối với môn học này.
Thực trạng đó dẫn đến kết quả thi hết môn của học phần TCC còn chưa cao, số lượng SV thi lại, học lại còn khá cao. Hơn nữa, đa số SV cho rằng đây là một môn học khó và chưa định hướng được các ứng dụng kiến thức được học đối với chuyên ngành của mình cũng như rèn luyện các kỹ năng thông qua học tập môn học này. Điều này được thể hiện rõ nhất trong phần đánh giá của SV đối với giảng viên ở môn học. Chẳng hạn, với các câu hỏi có nội dung như: 1) Giảng viên nêu nhiều vấn đề liên quan đến môn học để SV tham khảo; 2) Giảng viên tổ chức cho SV hoạt động nhóm tốt; và 3) Cảm nhận chung của bạn về chất lượng giảng dạy môn học này. Và với các mục lựa chọn cho SV: a) Hoàn toàn không đồng ý; b) Không đồng ý; c) Không ý kiến; d) Đồng ý; và e) Hoàn toàn đồng ý, thì thường nhận được câu trả lời của các SV là mục c: Không ý kiến.
Như vậy việc dạy học TCC theo tìm hiểu là chưa đạt yêu cầu đặt ra trong CĐR của nhà trường. Cụ thể ở các tiêu chí như:
- Nội dung môn TCC còn mang tính chung chung, nặng về lý thuyết, chưa áp dụng trực tiếp vào chuyên ngành kinh tế.
- Chưa tổ chức dạy học hướng đến rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho SV được quy định trong CĐR.
Cách tiếp cận CDIO đề xuất hai thành phần chính: Các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (Learning outcomes) và các đề cương (syllabus) để đạt được các chuẩn đầu ra đã nêu. Từ chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chúng ta sẽ phải xây dựng một chương trình học tích hợp (integrated curriculum) để bảo đảm đạt được các chuẩn đầu ra đã nêu. Một chương trình học tích hợp gồm nhiều môn học (Course) liên hệ với nhau chặt chẽ để cung cấp tri thức, kỹ năng, thái độ theo từng mức độ khác nhau (cấu trúc chương trình), theo một thứ tự nhất định và từng môn trong chuỗi thứ tự điều được xác định các chuẩn đầu ra cục bộ, để cuối cùng có thể đạt được các chuẩn đầu ra toàn cục của cả chương trình. Như vậy, để khắc phục các vấn đề trên cần thực hiện các định hướng sau theo tiếp cận CDIO cho môn học TCC:
- Xây dựng CĐR cho môn TCC thông qua đề cương môn học theo hướng tích hợp với CĐR của quá trình đào tạo (trả lời câu hỏi dạy cái gì trong nội dung môn TCC? trên cơ sở CĐR của nhà trường đã công bố)
- Cách triển khai và vận hành trong quá trình giảng dạy môn TCC để đáp ứng được một số CĐR của môn học đã đề xuất.( trả lời câu hỏi dạy như thế nào?)
- Biên soạn giáo trình môn TCC cho chuyên ngành kinh tế và hướng đến rèn luyện kỹ năng.
- Hổ trợ giảng viên TCC về kiến thức ngành kinh tế.
Từ thực trạng trên, chúng tôi nhận thấy rằng việc nghiên cứu “Tiếp cận CDIO trong dạy học TCC cho SV kinh tế ở Trường Đại học Lạc Hồng” là yêu cầu cấp thiết.
III. Xây dựng đề cương môn học TCC theo tiếp cận CDIO hướng đền đáp ứng CĐR
Theo yếu tố thứ hai của quy trình CDIO về xây dựng khung chương trình và đi đến đề cương môn học chi tiết của một môn học trong chương trình tổng thể, đồng thời tham khảo về cách thức xây dựng đề cương môn học. Chúng tôi đề xuất quy trình xây dựng đề cương môn học TCC ở trường Đại học Lạc Hồng.
Bước 1: Xác định mục tiêu môn học TCC
Bước 2: Lập hộp đen các môn học Input và Output của môn học TCC
Môn tiến quyết: Không có
Môn kế thừa: Xác suất – Thống kê, Quy hoạch tuyến tính, Kinh tế lượng, Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Nguyên lý thống kê kinh tế.
Bước 3: Xác định CĐR môn học TCC theo 3 phần: G1: Kiến thức khoa học, kỹ thuật; G2: Kỹ năng cá nhân và kỹ năng giao tiếp; G3:Thái độ
Bước 4: Xác định sự tương quan giữa CĐR của môn học và CĐR của chương trình đào tạo theo 3 tiêu chí: Sử dụng (Utilize), dạy (Teach), giới thiệu (Introduction)
Bước 5: Xác định phương pháp giảng dạy cho học phần TCC
Sử dụng kết hợp các phương pháp: thuyết giảng, trình chiếu, dạy học dựa trên vấn đề, động não, chia sẻ theo cặp, làm việc theo nhóm...
IV. Một số biện pháp dạy học TCC cho SV khối ngành kinh tế hướng đền đáp ứng CĐR
4.1. Những định hướng xây dựng các biện pháp
Thứ nhất, các biện pháp sư phạm được đề xuất phải dựa vào các yêu cầu về nhân lực của xã hội đối với ngành kinh tế, các nền tảng nội dung mà SV có thể đối mặt trong đời sống thực tế.
Thứ hai, các biện pháp sư phạm đề xuất phải đảm bảo tiêu chuẩn CDIO 6 về học tập trải nghiệm, tiêu chuẩn CDIO 7 về áp dụng các phương pháp dạy học tích cực.
Thứ ba, các biện pháp sư phạm đề xuất phải tạo ra những khó khăn, chướng ngại, mang tính vừa sức để SV có thể tham gia vào quá trình giải quyết những vấn đề thực tiễn gắn với kinh tế dẫn đến hình thành tri thức mới và rèn luyện các kỹ năng.
Thứ tư, hệ thống các biện pháp sư phạm phải đảm bảo tính kích thích hứng thú học tập của SV, nhằm phát huy tính tích cực và năng lực trí tuệ của SV.
Thứ năm, các biện pháp sư phạm đề xuất phải đảm bảo tính khả thi, đảm bảo CĐR cho SV khối ngành kinh tế ở trường Đại học Lạc Hồng
4.2. Một số biện pháp dạy học TCC cho SV khối ngành kinh tế hướng đến đáp ứng CĐR
Biện pháp 1: Dạy học một số nội dung kiến thức mới thông qua xây dựng các bài toán mở đầu liên quan đến kinh tế.
Biện pháp 2: Tăng cường các ví dụ và bài tập theo hướng vận dụng TCC giải quyết các vấn đề cụ thể đặt ra trong kinh tế
Biện pháp 3: Tăng cường trang bị tri thức phương pháp dưới dạng quy trình ba bước giải các bài toán thực tiễn.
Biện pháp 4: Hướng dẫn sinh viên sử dụng phần mềm Maple giải các bài tập TCC
V. Kết luận
Như vậy việc nghiên cứu tiếp cận CDIO trong dạy học môn TCC đã bước đầu định hướng giảng dạy môn học cho SV khối ngành kinh tế ở trường Đại học Lạc Hồng.
Những kết qủa bước đầu cho thấy SV học TCC một cách tích cực hơn, đặc biết khả năng ứng dụng TCC vào giải quyết các vấn đề thực tế nghề nghiệp được nâng lên rõ rệt. Điều đó giúp chúng tôi có căn cứ hoàn thiện, đồng bộ hóa mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy môn học gắn với mục tiêu đào tạo nghề hướng đến đáp ứng CĐR đã xây dựng theo phương pháp tiếp cận CDIO.