Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng viêm loét dạ dày tá tràng
I. Tổng quan

Viêm loét dạ dày-tá tràng (VLDDTT) là bệnh thường gặp ở nước ta và các nước trên thế giới. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh Helicobacter Pylori (Hp) góp phần quan trọng trong cơ chế bệnh sinh VLDDTT. Trên những bệnh nhân bị VLDDTT, tần suất nhiễm Hp khá cao (92% loét tá tràng, 70% loét dạ dày). Trẻ thường bị nhiễm Hp trong thời kỳ niên thiếu, tỷ lệ nhiễm tăng dần theo tuổi và tình trạng nhiễm Hp tồn tại suốt cuộc đời nếu không được điều trị [3],[4].

 Hp là tác nhân gây nhiễm khuẩn mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, ước tính hiện nay có khoảng phân nửa dân số thế giới nhiễm loại vi khuẩn này. Tỷ lệ lưu hành của Hp không đồng đều giữa các nước. Nhiễm Hp thường được cho là yếu tố căn nguyên chính của viêm dạ dày và loét tiêu hóa [18],[21],[58],[62],[75]. Tình trạng nhiễm Hp ảnh hưởng lên mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em.

Trong một nghiên cứu tiến cứu đa trung tâm ở châu Âu về xuất độ loét dạ dày và tá tràng ở trẻ em, Kalach và cộng sự năm 2007 nhận thấy loét xảy ra ở 10,6% số trường hợp nhưng chỉ có 26,7% số này bị nhiễm Hp.

Từ tháng 1-2001 đến tháng 12-2002 có 518 trẻ được thu thập thông tin trong một nghiên cứu điều trị Hp ở châu Âu (Oderda G năm 2007). Khi nội soi 454 trẻ bị viêm dạ dày kết hợp với Hp và 64 trẻ có loét chiếm 12,0%. Tuy nhiên, số bệnh nhân này bao gồm cả trẻ em ở Nga, chúng có tỉ lệ loét tiêu hóa cao hơn rõ rệt là 35% so với 6,7% ở trẻ em thuộc phần còn lại của châu Âu (p < 0,0001). Như vậy tỉ lệ loét có Hp dương tính ở trẻ em khác nhau giữa các nước, và điều này không thể giải thích hoàn toàn bằng tỉ lệ nhiễm trong quần thể được nghiên cứu [72].

Trong một tổng quan hồi cứu (1998-2006) gồm 619 trẻ em Trung Hoa được nội soi đường tiêu hóa trên để khảo sát bệnh lý đường tiêu hóa trên, Tam và cộng sự năm 2009 ghi nhận 43 trẻ (chiếm 6,9%) có loét tiêu hóa. Trong số 43 bệnh nhân này, có 37 trẻ bị loét tá tràng và 6 trẻ loét dạ dày. Tỉ lệ nhiễm Hp là 56,8% ở trẻ loét tá tràng và 33,3% ở trẻ loét dạ dày [89].

Trong khi đó tại Hàn quốc, tỷ lệ nhiễm ở trẻ em từ 6-8 tuổi năm 1993 là 12,4% so với 1,3-1,6% năm 2002. Tỷ lệ giảm này là nhờ sự cải thiện điều kiện vệ sinh cùng với sự phát triển kinh tế xã hội tại Hàn quốc [83]. Hầu hết các trẻ nhiễm Hp đều không có triệu chứng thậm chí khi vi khuẩn đã xâm nhập và gây ra tình trạng viêm ở niêm mạc dạ dày tá tràng. Vai trò của vi khuẩn Hp gây đau bụng tái diễn ở trẻ em vẫn còn là vấn đề bàn cãi.

Nghiên cứu 189 bệnh Hp (+) có 30% bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt của Annibale. Tương tự Choe YH cho thấy có 31% bệnh nhân 10-15 tuổi nhiễm Hp bị thiếu máu thiếu sắt [36], ngược lại Choi JW nghiên cứu 693 trẻ em 9-12 tuổi ở Hàn Quốc nhận xét dường như nhiễm Hp không góp phần gây thiếu máu thiếu sắt [37].

Nghiên cứu cắt ngang của Richter (2001) trên một số lớn trẻ em 5-7 tuổi ở Đức gợi ý nhiễm Hp kết hợp với chậm tăng trưởng, mặc dù điều kiện kinh tế-xã hội tương tự nhau giữa trẻ có Hp và trẻ không có Hp. Tương tự Ertem D và cộng sự (2002) cũng cho thấy Hp kết hợp với hiện tượng chậm lớn thông qua các cơ chế độc lập với điều kiện sống thiếu thốn [45].

Việt Nam tỷ lệ nhiễm Hp ở người trưởng thành 76% và ở trẻ em khoảng 53,3%. Việc chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng nhiễm Hp cho đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở trẻ em, hơn nữa triệu chứng lâm sàng của bệnh không điển hình như ở người lớn, điều này dễ bỏ sót bệnh hoặc khi vào viện đã có biến chứng. Vì vậy vấn đề các bệnh lý gây ra do nhiễm Hp ở trẻ em đang là một vấn đề đáng quan tâm của nền y học nước nhà [8].

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu các yếu tố liên quan có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc nhiễm Hp. Tuy nhiên đến nay nhiều vấn đề liên quan đến nhiễm Hp cũng như bệnh lý do nhiễm Hp vẫn còn là những câu hỏi mà đến nay khoa học chưa thể trả lời chắc chắn, đặc biệt là cách lây nhiễm, thời điểm bị nhiễm, các yếu tố thuận lợi cho việc lây nhiễm, cũng như cơ chế gây bệnh và cách phòng bệnh.

Một trong những đặc điểm chung quan trọng của sự nhiễm Hp được nhiều nghiên cứu xác nhận là tỷ lệ nhiễm Hp khác nhau ở các vùng, miền và chủng tộc. 

Tại Việt Nam các công trình nghiên cứu về Hp và mối liên quan của loại vi khuẩn này với bệnh lý dạ dày tá tràng ở trẻ em tương đối ít, đặc biệt tại Đồng Nai đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá về vấn đề này. Nhằm góp phần khảo sát tình hình nhiễm Hp, vai trò của nó với bệnh VLDDTT và các biểu hiện tiêu hóa có liên quan chúng tôi tiến hành đề tài “Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng viêm loét dạ dày tá tràng được nội soi Tiêu hóa tại bệnh viện Nhi đồng-Đồng Nai năm 2013”, với các mục tiêu:

  • Mô tả đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, đặc điểm huyết học, cận lâm sàng viêm loét dạ dày tá tràng nhiễm Helicobacter Pylori (Hp) và không nhiễm Hp.
  • So sánh Test phát hiện kháng nguyên trong phân (HpSA) và CLO TEST với hình thái tổn thương dạ dày-tá tràng qua nội soi.

II. Kết quả

Qua nghiên cứu mẫu gồm 405 trẻ em từ 2 đến 15 tuổi tại khoa Tiêu hóa bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Với kết quả thu được, chúng tôi có một số kết luận sau:

1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu, lâm sàng và cận lâm sàng

- Tỷ lệ nhiễm Helicobacter Pylori (Hp) của bệnh nhi có biểu hiện viêm loét dạ dày tá tràng (VLDDTT) đối với

. HpSA: 55,3%.

. Clotest: 69,1%.

- Không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm Hp theo tuổi, p>0,05.

- Có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm Hp giữa thành phố Biên hòa và các địa phương khác, p<0,001.

dd

Hình 1: Sơ đồ UBT có C13 hoặc C14 [10]

- Triệu chứng lâm sàng có biểu hiện viêm loét dạ dày tá tràng chiếm tỷ lệ cao là: Chán ăn (58,0%); tiền sử gia đình có người bị VLDDTT (57,5%); ợ hơi, ợ chua (46,4%); nôn, buồn nôn (43,5%). Có sự khác biệt về tiền sử gia đình có người bị VLDDTT và không có người bị VLDDTT, p<0,05.

- Vị trí đau thượng vị chiếm tỷ lệ cao là 59,8%; đau thành cơn và đau âm ỉ chiếm tỷ lệ là 49,4% và 48,1%; Thời điểm đau bất kỳ là 78,0%.

- Tỷ lệ đau bụng tái diễn là 56,5%. Không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm Hp giữa đau bụng tái diễn và không đau bụng tái diễn, p>0,05.

- Không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm Hp giữa nhóm nhiễm Hp và không nhiễm Hp đối với các chỉ số nhân trắc (cân nặng, chiều cao, BMI) và các chỉ số cận lâm sàng Hb, MCV, MCHC, tất cả p>0,05.

2. Tổn thương đại thể qua nội soi

- Dạng tổn thương chủ yếu: Sung huyết, dạng nodule và chợt niêm mạc là 57,8%, 23,0% và 10,1% theo thứ tự.

- Vị trí tổn thương chủ yếu: Hang vị và toàn bộ dạ dày là 68,6% và 23,0%. Không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm Hp giữa các vị trí tổn thương dạ dày tá tràng, p>0,05.

- Độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán dương và âm của HpSA so với Clotest lần lượt là 99,1%; 68,0%; 79,3% và 98,4%.

III. Kiến nghị

1. Tỷ lệ nhiễm Hp là khá cao và biểu hiện lâm sàng ở trẻ em viêm loét dạ dày tá tràng ít có triệu chứng đặc hiệu.

- Cần chú ý vấn đề đau bụng tái diễn ở trẻ có biểu hiện VLDDTT.

- Cần chú ý đánh giá tình trạng nhiễm Hp ở trẻ có biểu hiện VLDDTT sống chung trong gia đình có người thân bị VLDDTT.

Để góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời giảm các biến chứng và gánh nặng cho trẻ em, gia đình và toàn xã hội đối với các trường hợp có biểu hiện viêm loét dạ dày tá tràng có và không có Hp, cần tăng cường giáo dục sức khỏe cho trẻ em, gia đình và đặc biệt các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời nên thực hiện nội soi tiêu hóa trên sớm đối với các bệnh nhi có chỉ định.

2. Đối với những trường hợp bệnh nhi có biểu hiện viêm loét dạ dày tá tràng có chỉ định nội soi. Vì lý do nào đó không tiến hành nội soi được, có thể dùng xét nghiệm Test phát hiện kháng nguyên trong phân (HpSA) để chẩn đoán nhiễm Hp. Đồng thời xét nghiệm HpSA về mặt kinh phí có thể chấp nhận được, có thể thực hiện được tại tất cả các tuyến y tế cơ sở đặc biệt những nơi chưa có điều kiện nội soi.

- Cần theo dõi điều trị đánh giá sự đáp ứng thuốc cũng như tỷ lệ kháng thuốc đối với trường hợp có biểu hiện viêm loét dạ dày tá tràng có nhiếm Hp. Để làm được việc này cần triển khái xét nghiệm cấy vi khuẩn, kháng sinh đồ và chẩn đoán mô học trong thời gian tới.

- Cần có những nghiên cứu dọc theo dõi có hay không có sự liên quan giữa nhiễm Hp và sự tăng trưởng trong thời gian tới.

 
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Nam
Các tin, bài khác