Hai sinh viên biến nilông tái chế thành gạch lát nền

             Tận dụng lượng túi nilông thải ra ngày một lớn để tạo ra thứ gì đó, ý tưởng này đã kết nối hai sinh viên không cùng chuyên ngành song lại có chung đam mê cùng mày mò khám phá.


Vũ Văn Dương và Phạm Mạnh Đình (từ trái qua) tại xưởng thí nghiệm của trường thực hiện mẫu nghiên cứu - Ảnh: Q.L.

Gạch lát nền từ túi nilông tái chế và cát. Bài toán nghe có vẻ hơi lạ lùng ấy được Vũ Văn Dương và Phạm Mạnh Đình (sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đi tìm lời giải. Và họ đã tạo ra sản phẩm ban đầu sau nhiều ngày miệt mài tìm tòi, những đêm không ngủ.

Giải quyết rác thải nilông

Chính xác thì ý tưởng làm gạch từ nilông và cát là gợi ý của một thầy giáo dạy Mạnh Đình lúc học phổ thông. Vô tình một lần nấu bếp ở nhà, nhìn đám vỏ trấu cháy trộn với bao nilông trong bếp, Đình tìm thấy một loại hỗn hợp và nghĩ chắc sẽ làm ra thứ gì đó. Và Đình làm thiệt, tạo ra một loại vật liệu từ vỏ trấu và nhựa nilông, đã từng đoạt một giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho học sinh.

Gợi ý của người thầy năm xưa theo Đình vào trường đại học. Đình không chọn học xây dựng mà theo công nghệ thông tin. Nhưng như một cái duyên, Đình lại ở chung phòng ký túc xá với Vũ Văn Dương, sinh viên khoa kỹ thuật xây dựng.

Một lần tình cờ nói chuyện cùng nhau, hai cậu bạn ấy quyết định bắt tay nhau chế tác thử loại vật liệu từ cát và bao nilông. Mỗi chiều hai anh chàng lại rủ nhau ra chợ Tăng Nhơn Phú (Q.9) lượm... bao nilông mang về rửa sạch, phơi khô làm nguyên liệu. Được cái mấy cô bán hàng ở chợ cũng thương. Không biết tụi nhỏ nhặt túi nhựa về làm gì nhưng thấy ngày nào cũng ra xin nên họ gom lại, đợi tới chiều hai đứa ra thì cho.

Nhà đứa nào cũng vất vả nhưng mỗi tháng đều nhín từ tiền ăn 200.000 đồng để mua cát làm thí nghiệm. Không có thiết bị, cả hai tự mày mò tận dụng bất cứ thứ gì có được để làm. Đến máy ép thành phẩm cũng mua vật dụng về tự chế.

"Tụi mình rất nhớ ơn cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, giảng viên khoa khoa học ứng dụng, nhờ cô mà suốt hai tháng trời tụi mình có không gian làm các thí nghiệm dù phải tranh thủ làm đêm, có hôm thức tới khuya" - hai bạn khoe.

Vật liệu UNC

Hai tháng trời cho hơn 60 mẫu thử khác nhau. Mỗi mẫu ra đời, Đình và Dương khi lên lầu 3, lúc leo lầu 5 thả mạnh xuống đất để đo độ chịu lực của gạch. Cuối cùng, cả hai cũng tìm ra tỉ lệ pha trộn nhất định giữa cát và nilông với nhiệt độ phù hợp, cho ra thành phẩm đầu tiên.

Vật liệu được đặt tên UNC (U là UTE, tên viết tắt tiếng Anh của ĐH Sư phạm kỹ thuật, N là nilông, còn C là cát), hai bạn mang ứng thí ở hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên trường.

TS Lê Anh Thắng, giảng viên khoa kỹ thuật xây dựng, kể: "Tôi bị cuốn hút ngay với ý tưởng của hai bạn ấy nhưng khi hỏi về quá trình làm, tôi vừa tức cười vừa thương vì các bạn nghiên cứu nhưng chưa theo chuẩn một công trình khoa học. Tôi muốn giúp các bạn làm nghiên cứu một cách bài bản nên hỏi có cần thầy hướng dẫn không". Khỏi phải nói hai đứa vui cỡ nào!

Về với thầy Thắng, các bạn được vào phòng thí nghiệm, được dùng máy, thiết bị của trường để đo các thông số của mẫu gạch làm ra bám theo tiêu chuẩn gạch lát nền hiện tại của Việt Nam. Kết quả khả quan khi các thí nghiệm về độ nén - uốn, va đập của mẫu đều đạt hoặc vượt theo tiêu chuẩn chung.

"Thầy hỗ trợ tụi mình nhiều lắm, còn trích cả tiền túi cho hai đứa mua nguyên liệu. Quan trọng là tụi mình được sử dụng các thiết bị làm thí nghiệm mà trước đó có mơ cũng chưa dám nghĩ đến" - Đình cho biết.

Dù đã có trong tay vài giải thưởng cho nghiên cứu đầu tay song cả hai đều nhận ra con đường phía trước mới chỉ là bắt đầu.

"Hai đứa dưới sự hướng dẫn của thầy sẽ tiếp tục thử nghiệm, nghiên cứu thêm để tìm ra sản phẩm tốt nhất có thể" - Dương nói.

Các tin, bài khác