Trước thực trạng rác thải y tế đang làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và xã hội thì việc ngành y tế tỉnh Kon Tum triển khai ứng dụng khoa học công nghệ đưa hệ thống xử lý rác thải rắn y tế bằng vi sóng vào sử dụng đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, đồng thời góp phần làm sạch môi trường cơ sở y tế và cho cộng đồng.
Hiện tại, ngành Y tế Kon Tum có 03 bệnh viện tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 500 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi 170 giường bệnh, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng 180 giường bệnh; 10 Trung tâm Y tế huyện, thành phố (trong đó có 08 đơn vị có hệ bệnh viện), 03 Phòng khám Đa khoa khu vực và 102 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.
Rác thải y tế có chứa một lượng lớn các tác nhân vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm từ quá trình khám chữa bệnh như máu, đờm, phân, chất tiết, bệnh phẩm sinh thiết, các tổ chức hoại tử cắt bỏ… Các chất thải lây nhiễm này có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua da, niêm mạc, đường hô hấp, đường tiêu hóa gây ra các bệnh như tả, lỵ, thương hàn và rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Rác thải y tế cũng có thể gây sát thương cho người bởi vật sắc nhọn như kim tiêm, dao cắt, ống thủy tinh đựng thuốc hay nước cất. Vật sắc nhọn không chỉ gây ra vết thương trên da mà còn gây nhiễm trùng vết thương nếu chúng bị nhiễm bẩn. Đối với môi trường, khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, đốt không tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.
Những năm trước đây, toàn bộ rác thải nguy hại từ các cơ sở y tế này đều được xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt trong các lò đốt. Từ cuối năm 2018 đến nay, tỉnh Kon Tum đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng vi sóng. Hệ thống này áp dụng công nghệ xử lý hiện đại do Pháp sản xuất, không gây độc hại và thân thiện với môi trường.
Nhân viên xử lý rác thải rắn y tế nguy hại bằng lò vi sóng
Cùng với đó, ngày 27/9/2018, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn đã ký Quyết định số 1042/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình cụm trên địa bàn tỉnh. Cụm thứ nhất đặt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi với vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng, công suất xử lý 200kg/ngày, đảm nhận xử lý toàn bộ chất thải rắn y tế nguy hại thu gom từ các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Đăk Glei; Cụm thứ 2 đặt tại Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng với vốn đầu tư hơn 13 tỉ đồng, công suất xử lý 400kg/ngày bao gồm toàn bộ chất thải rắn y tế nguy hại gom từ các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập tại thành phố Kon Tum và các huyện lân cận như Đăk Hà, Kon Rẫy, Kon Plong và Sa Thầy. Như vậy, bơm kim tiêm, bông băng, ống dịch chuyền hay các rác thải rắn y tế nguy hại khác đã được xử lý theo cụm, không tạo ra khói như trước kia nên hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải từ lò đốt gây ra.
Để đảm bảo an toàn, rác thải y tế sau khi được thu gom, phân loại, buộc kín và bảo quản trong tủ lạnh âm 100c để lưu trong nhà lạnh biệt lập sau đó xử lý hàng ngày bằng công nghệ vi sóng. Số rác thải này sau khi được cho vào khoang sẽ được cắt nghiền nhỏ bằng lưỡi cắt quay tốc độ cao rồi duy trì nhiệt độ 1100c để diệt khuẩn. Sau khi được xử lý, chất thải có dạng bông tơi xốp, đầu ra được công nhận là rác thải thông thường và công ty Môi trường đô thị sẽ thu gom, xử lý chung theo quy định. Một lần máy xử lý được khoảng 35-40kg trong thời gian 35 phút. Chỉ cần 6 lần là sẽ xử lý hết 200kg rác thải rắn y tế rắn nguy hại trong ngày. Đặc biệt công nghệ mới này còn giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với cách làm cũ. Xử lý bằng vi sóng chỉ tốn khoảng 20.000 đồng/kg rác thải trong khi trước đây phải tốn khoảng 50.000 đồng tiền nhiên liệu chỉ để đốt 1kg rác thải y tế mà còn không có khói bụi gây ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường.
Rác thải rắn y tế nguy hại sau khi xử lý bằng vi sóng trở thành chất thải
có dạng bông tơi xốp như chất thải thông thường
Hiện nay cụm xử lý rác thải y tế tại Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tiếp tục tiến hành ký hợp đồng với một số cơ sở ngoài ngành Y tế có giường bệnh như bệnh xá 24 thuộc Sư đoàn 10, Bệnh xá Công an tỉnh, bệnh xá Tỉnh đội với thời gian thu gom, vận chuyển và xử lý 01 lần/ngày. Sau khi đi vào sử dụng, ngành Y tế đã mời các cơ quan độc lập, quan trắc môi trường về để đánh giá chất lượng định kỳ và hiệu quả của công nghệ vi sóng này. Tất cả các đánh giá đều cho thấy, việc xử lý rác thải rắn y tế bằng công nghệ vi sóng đều đạt yêu cầu.