Phát triển điện mặt trời ở Việt Nam

           Trong mấy năm nay, điện mặt trời (ĐMT) ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc và rất thành công, từ vài năm MW năm 2016 phát triển lên đến khoảng hơn 4.500 MW. Hàng năm ĐMT đã cung cấp gần 8 tỷ kwh cho đất nước. Và cũng nhờ có ĐMT mà trong các mùa hè những năm gần đây đã không còn hiện tượng thiếu điện do các hồ thủy điện cạn, các nhà máy thủy điện phát không đủ công suất, trong lúc đó nhu cầu tiêu thụ điện lại rất cao do chạy điều hòa.

Vậy nguyên nhân nào đã có sự phát triển kịch tính và nóng như vậy của ĐMT trong thời gian qua. Vusta.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Đình Thống - Hội Khoa học công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) về vấn đề này.

Những nguyên nhân đã dẫn đến sự phát triển nóng

PGS.TS Đặng Đình Thống cho biết, về những nguyên nhân thì trước tiên đó là giá điện ĐMT giảm liên tục, với tốc độ rất nhanh, trung bình trên thế giới đã giảm hơn 72% so từ năm 2010 đến năm 2017. Năm 2010 giá ĐMT là 36 Uscents/kWh, thì đến năm 2017 đã giảm xuống chỉ còn 10 Uscents/kWh.

Theo dự báo, đến năm 2030 và 2035, giá điện ĐMT sẽ còn giảm tiếp tục giảm sâu xuống khoảng 5,8 Uscents/kWh và 5,4 Uscents/kWh. Hơn nữa, từ năm 2025, dự báo giá ĐMT sẽ thấp hơn giá các nguồn điện hóa thạch.

Nguyên nhân giá điện ĐMT giảm nhanh chủ yếu là do công nghệ chế tạo PMT ngày càng hoàn thiện, hiệu suất PMT ngày càng cao và các công nghệ phụ trợ khác như chế tạo bộ Inverters, khung dàn và công nghệ lắp đặt đã đạt đến trình độ tiên tiến.

Nguyên nhân tiếp theo đó là chính sách đúng đắn về phát triển ĐMT và đã được ban hành đúng thời điểm, đó là QĐ số 11: Giá ĐMT đã giảm xuống rất thấp; Với tiềm năng năng lượng mặt trời khá dồi dào; Với các chính sách hỗ trợ rất hiệu qu, thiết thực từ QĐ số 11 là:

-ĐMT được mua với giá hấp dẫn: 9,35 Uscents/kWh (khoảng 2.200đ/kwwh)

-Chủ đầu tư được phép nối lưới và được ký hợp đồng mua bán ĐMT dài hạn (20 năm) với EVN

-EVN có trách nhiệm hỗ trợ về mặt kỹ thuất và các thủ tục liên quan khác về nối lưới

Chính vì những nội dung trong QĐ số 11 đã giúp các nhà đầu tư ĐMT có điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn trong đầu tư và có mức lãi hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nên đã khuyến khích, động viên được các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả các hộ gia đình tư nhân, PGS Thống cho biết.

Ảnh internet

Cũng theo PGS Thống, nếu QĐ số 11 này ban hành sớm, khi giá ĐMT vẫn còn cao, ví dụ 13-14 Uscents/kWh thì sẽ không có các kết quả như đã nói ở trên.

Tính ưu việt vượt trội của công nghệ ĐMT

Theo PSG Thống cho biết, nói về ưu việt ĐMT được thể hiện qua các đặc trưng chính sau: Thứ nhất là nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí nhà kính và các chất thải khác. Đặc điểm này ưu thế đặc biệt, nhờ đó có thể góp phần giải quyết vấn đề đang rất thời sự hiện nay trên phạm vi toàn cầu là vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề đang đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

Ngoài ra, theo cam kết của Việt Nam tại COP21, Việt Nam sẽ cắt giảm 8% lượng khí nhà kính đến năm 2030. Và nếu có sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể cắt giảm 25% lượng khí nhà kính vào năm 2030. Công nghệ ĐMT sẽ là một trong các giải pháp tốt nhất để thực hiện cam kết này.

Thứ hai là lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng đơn giản và chi phí thấp. Vì không có công nghệ nguồn điện nào xây dựng đơn giản, nhanh chóng như công nghệ nguồn ĐMT. Thời gian xây dựng chỉ tính theo tháng. Không gây ra các tác động về môi trường di dân quy mô lớn, như phá rừng, phát thải khói bụi, nước và tro xỉ thải… Ngược lại, nó còn tạo ra cảnh quan đẹp, hoành tráng và hấp dẫn đối với các du khách. ĐMT không cần phải cung cấp nhiêu liệu, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng đơn giản.

Thứ ba là giá ĐMT đã giảm thấp và vẫn còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Dự báo đến năm 2035, giá ĐMT thương mại sẽ vào khoảng 5,4 Uscents/kWh, còn giá ĐMT áp mái chỉ còn khoảng 3 Uscents/kwh.

Với các ưu việt  kinh tế và môi trường  nên các nhà khoa học công nghệ dự báo, trên phạm vi thế giới đến năm 2040 và 2050, tỷ lệ công suất ĐMT trong tổng công suất phát điện sẽ là 45% và 50%; Cơ cấu về sản lượng điện đến năm 2050 như sau: số 1 là ĐMT: 35,8%; tiếp đến là điện gió trên bờ: 24,3%; Điện gió ngoài khơi: 12,1%; Thủy điện: 12,4% và còn lại là các nguồn NLTT khác và hóa thạch, hạt nhân: 15,4%.

Thách thức và khó khăn về phát triển ĐMT ở Việt Nam

Cũng theo PGS Thống cho biết, bên cạnh những ưu việt của nguồn ĐMT thì nguồn điện này cũng có một số nhược điểm cần phải tìm các giải pháp khắc phục đó là: Công suất phát điện không ổn định do phụ thuộc vào cường độ bức xạ mặt trời; Hệ số công suất khá thấp, chỉ trong khoảng 15% đến 18%.

Chính 2 nhược điểm này nên khi xây dựng các hệ nguồn ĐMT nối lưới cần phải tính đến các nguồn điện dự phòng khác. Nguồn dự phòng thích hợp nhất là thủy điện. Ngoài ra, do tính thay đổi ngẫu nhiên của ĐMT nên việc điều phối lưới điện nói chung sẽ phức tạp hơn nhiều so với hệ lưới điện không có nguồn ĐMT, điện gió.

Cũng theo PGS Thống thì cần diện tích rất lớn để lắp đặt dàn PMT, trung bình cần 1-1,2 ha để lắp dàn PMT công suất 1 MWp. Đây là vấn đề lớn, đặc biệt đối với Việt Nam, mật độ dân cư rất cao. Vấn đề này có thể khắc phục nhờ phát triển các công nghệ ĐMT nổi, ĐMT áp mái…

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, với hệ thống điện lớn, ví dụ như hệ thống điện châu Âu, tỷ lệ công suất ĐMT dưới 20% thì việc vận hành hệ thống điện không gặp khó khăn lớn. Nhưng nếu tỷ lệ này lớn hơn thì cần phải sử dụng các công nghệ điều khiển vận hành tiên tiến. Đối với Việt Nam, hệ thống điện có dung lượng còn nhỏ, kỹ thuật vận hành còn ở trình độ thấp, nên hiện nay chỉ với tỷ lệ khoảng 10% 4500 MW/41.500 MW đã có nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Vì vậy, việc học hỏi, cập nhật các công nghệ điều khiển vận hành hệ thống điện tích hợp các nguồn điện NLTT là một công việc cấp bách hiện nay đối với ngành điện, PGS Thống cho biết.

Theo PGS Thống muốn phát triển ĐMT hiệu quả cần phải tập trung xây dựng quy hoạch phát triển ĐMT trên phạm vi quốc gia, trong đó cần xác định lộ trình thích hợp, đồng thời phải tính đến các kế hoạch phát triển hệ thống truyền tải điện, xây dựng công suất điện dự phòng, công nghệ vận hành hệ thống điện tích hợp, đào tạo nhân lực…;

Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển điện mặt trời (Ảnh internet)

Các tin, bài khác