Nghiên cứu và Ứng dụng KH&CN >> Thành tựu KH-CN mới
(Đăng lúc: 22/03/2018 09:25:47 AM)
Sẽ đến lúc nước ngọt quý như vàng

Ngành công nghiệp nước đã chuyển mình mạnh mẽ từ ngành ít lợi nhuận thành một ngành được ví von là vàng xanh. Các nhà kinh tế dự báo rằng, trong tương lai không xa, nước ngọt sẽ trở thành một hàng hóa quan trọng, được mua bán trên thị trường quốc tế tựa như dầu mỏ, khí đốt, vàng hiện nay.

Chỉ có 3% nước ngọt

Theo ước tính, tổng lượng nước trên trái đất vào khoảng 1.386 triệu km3, tuy nhiên, trên 96% số đó là nước mặn. Trong số hơn 3% nước ngọt còn lại, 68% lại tồn tại dạng băng và sông băng; 30% là nước ngầm. Nguồn nước mặt như nước trong các sông hồ, chỉ chiếm khoảng 93.100km3. Đây là những nguồn nước chủ yếu mà con người sử dụng hàng ngày.

Số lượng ít ỏi nước ngọt sẵn sàng để sử dụng lại phân bố không đồng đều. Khu vực châu Á và Nam Mỹ được coi là có nguồn tài nguyên nước dồi dào nhất, trong khi châu Phi, Trung Đông lại là những khu vực thường xuyên hạn hán. Hơn 1/3 của gần 7 tỷ người trên thế giới hiện đang phải sống trong cảnh khan hiến nước ngọt. Đến năm 2025, con số này sẽ tăng gần gấp đôi.

Những con sông đang dần cạn kiệt

Trong khi dân số không ngừng tăng thì các nguồn nước ngọt lớn lại đang ngày một bị thu hẹp. Sông Jordan, một dòng sông lớn ở Tây Nam Á, dài 251km, chảy từ chân núi Hermon vào biển Chết, là một trong những dòng sông thiêng liêng nhất thế giới, vốn cung cấp nước sạch cho hàng trăm triệu người, đang dần bị cạn kiệt.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với hàng loạt các con sông lớn vựa nước ngọt khác của nhân loại như sông Amazon (Nam Mỹ), sông Missisipi (Mỹ), sông Ấn, sông Hằng (Ấn Độ)…

Việc tàn phá rừng chính là nguyên nhân khiến các con sông ngày càng trở lên khô cạn. Các nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức một cách vô tội vạ cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt hoặc ô nhiễm nặng. Nếu như trong quá khứ, con người tiến hành các cuộc chiến tranh để tranh giành nhau các mỏ dầu, mỏ vàng, bạc, kim cương thì trong tương lai, nước sẽ là nguyên nhân số một của các cuộc xung đột.

Thiếu nước sạch đe dọa hàng tỷ người

Theo ước tính, đến năm 2030 sẽ có 47% dân số thế giới sinh sống tại các vùng chịu căng thẳng về nước. Chỉ tính riêng ở Châu Phi, do biến đổi khí hậu, số người chịu cảnh thiếu nước nhiều hơn vào năm 2020 là từ 75 đến 250 triệu người. Khan hiếm nước ở một số vùng khô hạn và bán khô hạn sẽ tác động lớn tới sự di cư; do hiếm nước sẽ có từ 24 triệu đến 700 triệu người dân mất chỗ ở.

Khái niệm an ninh nước sẽ có vai trò quyết định đối với sự tồn vong của một quốc gia, một dân tộc chứ không phải là an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Tình trạng thiếu nước sạch đã, đang và sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai, đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới.

Theo Liên Hiệp Quốc, sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Việc thiếu nguồn nước canh tác cũng khiến mùa màng bị thất thu, đem đến nạn đói gay gắt kéo dài cho các nước châu Phi.

Đến năm 2035, sẽ có khoảng 3 tỷ người, chiếm gần 50% dân số trái đất phải đối mặt với các khó khăn do tình trạng thiếu nước, ở các mức độ khác nhau. Ngân hàng thế giới cũng đồng quan điểm khi cho rằng, trong tương lai không xa, nước sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang hay, giảm tăng trưởng kinh tế, nghèo đói, bệnh tật.

Ô nhiễm đe dọa

Bên cạnh việc khan hiếm, việc nước ngọt trên thế giới bị ô nhiễm cũng khiến nguồn cung nước sạch bị giảm mạnh, gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Nghiên cứu của Viện Nước quốc tế Stockholmockholm (SIWI) cho thấy nước bẩn đã giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Ước tính mỗi ngày trên thế giới có tới 5.000 trẻ em bị chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn.

Trong khi đó, theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, có tới 1,1 tỷ người không tiếp cận được nước sạch và hơn 2,6 tỷ người không có điều kiện vệ sinh cơ bản. 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 4,43 triệu em ở độ tuổi đến trường bị chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường.

Một nghịch lý là người dân ở các nước nghèo phải tốn nhiều tiền cho nước sạch hơn so với các nước phát triển từ 5-10 lần. Nhiều cư dân vùng Hạ Sahara ở châu Phi có ít hơn 20 lít nước mỗi ngày, và 2/3 không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Ngược lại, bình quân một người Anh dùng 150 lít nước/ngày trong khi người Hoa Kỳ dùng 600 lít/ngày.

Liên Hiệp Quốc cũng cho biết, đa số các nước đang phát triển chi ít hơn 1% GDP hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân và hầu hết hệ thống đó phục vụ cho người giàu ở thành thị. Chính vì điều này, người nghèo mất nhiều thời gian hơn để có được nước dùng. Người dân Hạ Sahara bỏ ra 40 tỷ giờ mỗi năm để đi lấy nước, tương đương 1 năm trời làm việc của tất cả người lao động ở Pháp.

Đã đến lúc niêm yết giá nước ngọt

Giá nước ngọt sẽ được niêm yết trên các thị trường hàng hóa lớn nhất thế giới, và giới đầu cơ sẽ đặt cược tài sản của mình vào các cơn mưa hay một trận bão tuyết, đó không phải là viễn cảnh xa vời. Giáo sư Frederick Kaufman, đại học báo chí New York (Mỹ) đã cảnh báo về điều này trong một cuốn sách có tiêu đề phố Wall thiếu nước. Rất đông các nhà khoa học đồng tình với dự báo của ông. Các nhà bảo vệ môi trường cũng đồng tình rằng, đã đến lúc phải niêm yết giá cho từng galon nước ngọt để bảo vệ nguồn tài nguyên duy trì sự sống nhưng đang ngày một cạn kiệt này.

Thật ra, thị trường mua bán nước đã tồn tại từ khá lâu tại những nơi mà nước ngọt có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Từ năm 1996, các hộ nông dân tại Westlands California (Mỹ) đã phải trả hàng chục triệu USD cho nguồn nước tưới tiêu cánh đồng rộng 2.000km2 của mình. Đổi lại, họ thu hoạch được lượng nông sản trị giá khoảng 1 tỷ USD/năm.

Nước Anh cũng phải chi ra tới 800 tỷ USD cho một dự án đảm bảo duy trì nguồn nước, giai đoạn 2010-2015. Trong 10 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng của ngành cung cấp nước ngọt ở Anh đã tăng 450%, lợi nhuận của công ty tăng 692%. Tiền lương giám đốc điều hành cho các tập đoàn tư nhân chuyên cung cấp nước có mức tăng đáng kinh ngạc: 708%. Ngành công nghiệp xử lý nước thải cũng nhờ đó mà phát đạt theo.

Làn sóng tư nhân hóa các nguồn nước tại những quốc gia như Argentina, Bolivia, Ghana, Mexico, Malaysia, Nigeria và Philippines từ đầu những năm 1990 đã giúp những nước này thu về những khoản tiền hàng tỷ USD từ các tập đoàn đa quốc gia, những người sớm biết rằng, họ đang đầu tư vào một hàng hóa có giá trị vô cùng to lớn.

Hiện nay, việc cung cấp nước cho người dân và doanh nghiệp là một ngành công nghiệp có doanh thu tới 400 tỷ USD mỗi năm. Số tiền đó tương đương 40% so với ngành dầu mỏ, và lớn hơn ngành dược phẩm toàn cầu 30%. Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, nước là một ngành công nghiệp trị giá 100 tỷ USD.

Ngành công nghiệp nước đã chuyển mình mạnh mẽ từ ngành ít lợi nhuận thành một ngành được ví von là vàng xanh. Hiện, lĩnh vực mới mẻ đầy béo bở này trên thế giới đang tập trung vào tay 3 đại gia, gồm Vivendi của Pháp và Thames Water của Anh, nhưng thuộc sở hữu của tập đoàn Đức RWE. Năm 1993, 3 đại gia này chỉ hoạt động tại 12 nước, nhưng đến nay, họ là nhà cung cấp nước sạch cho 56 nước.

Bên cạnh việc cung cấp nước uống qua hệ thống đường ống như các đại gia Suez, Vivendi và Thames Water, các công ty tư nhân cũng thu lợi lớn từ hoạt động bán nước uống đóng chai, với doanh thu ước tính hơn 50 tỷ USD/năm. Người Hoa Kỳ ước tính chi mỗi năm 11 tỷ USD cho nước uống đóng chai, và con số này mỗi năm một tăng vì nhu cầu đối với nước uống đóng chai cũng tăng nhanh theo dân số và theo sự nóng lên của trái đất. Tỷ lệ tăng trưởng sản lượng hàng năm khoảng 9,5%, tăng trưởng doanh thu khoảng 8,5%, còn cao hơn cả mức 6% của ngành nước ngọt.

Cho đến nay, nước đóng chai là ngành tăng trưởng nhanh nhất trong các ngành công nghiệp ẩm thực trên thế giới. Các đại gia nước uống đóng chai trên thế giới là các tên tuổi như Nestle, Pepsi, Coca Cola đều có doanh thu trên 1 tỷ USD/năm từ nước đóng chai.

Ngày Nước Thế giới năm 2018 - Hãy sống chan hòa với thiên nhiên

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14/6/1992, Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới, và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.

Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp trái đất để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước - đặc biệt là các nguồn nước sạch - và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Ngày Nước Thế giới năm nay với chủ đề “Nước với Thiên nhiên” (Nature for Water) hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên để giải quyết, ứng phó kịp thời với những thách thức về nguồn nước và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng tăng.

Chiến dịch Ngày nước Thế giới 2018 được phối hợp thực hiện bởi các tổ chức: Công ước về Đa dạng sinh học; Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO); Môi trường Liên Hợp Quốc, với sự hỗ trợ của các thành viên và các đối tác của Liên Hợp Quốc. Chiến dịch ngày Nước Thế giới năm 2018 nhấn mạnh các giải pháp về nước dựa vào thiên nhiên, cách thức thực hiện chính sách và thực tiễn trong việc quản lý tài nguyên nước. Cũng để người dân thấy rõ hơn tầm quan trọng của nước, nhất là nguồn nước sạch để chung tay quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này. 

Khủng hoảng nước - Việt Nam không ngoại lệ


Mặc dù có trữ lượng nước khá dồi dào, nhưng 63% tổng lượng nước mặt của Việt Nam lại bắt nguồn từ các quốc gia khác. Chẳng hạn, ở lưu vực sông Hồng, nguồn nước ngoại lai từ Trung Quốc chiếm 50% tổng khối lượng nước bề mặt. Còn ở lưu vực sông Cửu Long, 90% tổng khối lượng nước bề mặt có nguồn gốc ngoại lai, chủ yếu từ phần sông Mekong nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta không thể chủ động bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước ngoại lai. Nhất là vào những năm gần đây, sự khai thác nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn ngày càng gia tăng. Trung Quốc đã và đang xây dựng hơn 10 hồ chứa lớn trên sông
Mekong. Thái Lan xây 10 hồ chứa vừa và lớn. Campuchia có dự kiến giữ mực nước Biển Hồ ở một cao trình nhất định để phát triển thủy lợi. Nguồn nước nội địa chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới -khoảng 3.600m3/người/năm, thấp hơn mức bình quân toàn cầu là 4.000m3/người/năm khiến Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước.

Nhằm hạn chế nhu cầu cũng như chống thất thoát nước, đồng thời tăng cường quản lý tài nguyên nước, nhiều chính sách đã được áp dụng. Luật pháp về bảo vệ và quản lý tài nguyên nước đã được ban hành tại nhiều quốc gia. Song, trên thực tế, những cải cách, đổi mới này vẫn chưa thực sự có hiệu quả, công việc thường chỉ giới hạn trong ngành nước. Vì vậy, muốn thực sự có hiệu lực, các quyết định cho vấn đề nước cần thiết có sự tham gia của lãnh đạo của tất cả các ngành, trong đó có các ngành nông nghiệp, năng lượng, thương mại và tài chính, bởi tất cả các ngành này đều có ảnh hưởng quyết định đến quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra, sự cộng tác, phối hợp giữa khối nhà nước với khối tư nhân và cộng đồng xã hội cũng hết sức quan trọng.

Theo moitruong.com.vn

THÔNG TIN CẦN BIẾT
0/9
33.JPG
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Tọa đàm sản xuất sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Kon Plông
1/9
34.jpg
Tọa đàm sản xuất sinh thái Rừng - Rẫy - Ruộng gắn với trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Kon Plông
2/9
35.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thi STKT phát biểu tại Lễ tổng kết trao giải Hội thi, Cuộc thi năm 2020-2021
3/9
36.jpg
Ông Đặng Thanh Long - Chủ tịch Liên hiệp hội phát biểu khai mạc Lễ Tổng kết và trao giải Hội thi STKT lần thứ 9 và Cuộc thi Sáng tạo TTN-NĐ lần thứ 13 (năm 2020-2021)
4/9
37.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi STKT trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tác giả đạt giải cao tại Cuộc thi lần thứ 13
5/9
38.jpg
Trao giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải Nhì Cuộc thi lần thứ 13
6/9
39.jpg
Trao giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải Khuyến khích Hội thi lần thứ 9
7/9
40.jpg
Trao giấy chứng nhận các các tác giả đạt giải Ba Cuộc thi lần thứ 13
8/9
41.jpg
Trao giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải Khuyến khích Cuộc thi lần thứ 13
VIDEO CLIP
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 39368
Đang trực tuyến: 2