Cộng đồng làng Ka Bay (dân tộc Ja Rai), làng Đăk Wơk, Đăk Do, Cờ Tu, (dân tộc Rơ Ngao/Ba Na) là các cộng đồng do thu hồi đất và di dời tái định cư (TĐC) để xây dựng thủy điện Pleikrông từ 2005. Sau hơn 10 năm di dời TĐC, cuộc sống người dân các làng này vẫn còn nhiều khó khăn (tỷ lệ nghèo hơn 70% - theo tiêu chí mới). Nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình TĐC chưa gắn kết thực tế với phong tục tập quán (luật tục) về sinh kế, cuộc sộng của các dân tộc với rừng và đất rừng.
Trước thực trạng trên, để sinh tồn cộng đồng các làng đã tự vận động theo cách của họ về quyền quản lý sử dụng rừng, đất rừng góp phần từng bước phục hồi sinh kế, ổn định cuộc sống.
Để có sự đồng thuận thực hiện nội dung trên đảm bảo đúng pháp luật là sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền và công tác tư vấn của các tổ chức khoa học công nghệ như: (Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Kon Tum, Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á - Cirum) đã vận động cộng đồng các làng; năm 2007 chính quyền xã Hơ Moong đã tiếp nhận phản ánh của người dân và từng bước vận động các bên liên quan thực hiện việc thu hồi rừng, đất rừng, đất sản xuất của các tổ chức để giao lại cho các cộng đồng làng. Trong quá trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương có sự hợp tác tư vấn của các tổ chức khoa học cộng nghệ như CIRUM, CODE Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum cùng phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ.
Qua nhiều lần kiến nghị, phản ánh những bức xúc về thiếu đất sản xuất, thiếu rừng để thực hiện sinh kế, thiếu nguồn nước… tại các buổi họp làng, tại các lần giao ban tại UBND xã, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, của đại biểu Quốc hội, với sự phản ánh, kiến nghị thường xuyên bằng nhiều hình thức trong quá trình vận động về giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu rừng, đất rừng để phục hồi sinh kế, giải quyết tình trạng thiếu nước… của cộng đồng các làng đồng bào DTTS ở Hơ Moong đã đạt được một số kết quả tích cực.
Năm 2011, UBND tỉnh Kon Tum quyết định thu hồi hơn 70 ha đất của nông trường ở xã Sa Nghĩa để có mặt bằng dãn dân (tái định cư lần 2) và đất sản xuất cho 56 hộ thiếu đất sản xuất ở làng Cờ Tu (hiện nay gọi là làng Đắk Tăng); Năm 2013, Sở NN&PTNT đồng ý cho thực hiện thí điểm giao rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước gắn với giao đất cho cộng đồng làng Ka Bay 30,8 ha vào năm 2013 theo phương pháp dựa vào cộng đồng, tôn trọng luật tục trong quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, rừng (thực hiện thí điểm GĐGR cho cộng đồng, đây là mô hình mới đối với chính quyền huyện, xã trong việc quản lý bảo vệ rừng).
Trên cơ sở hiệu quả GĐGR cho làng Ka Bay, UBND huyện Sa Thầy đồng thuận tiếp tục giao khu vực rừng đầu nguồn nước cho làng Đăk Wơk, Đắk Do, Cơ Tu 56ha.
Bàn giao GCN đất rừng cho cộng đồng quản lý tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy
Tiếp tục chương trình hỗ trợ đất sản xuất cho người dân TĐC, năm 2016 - 2017, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định thu hồi đất của Công ty cà phê 704 (47 ha), thu hồi đất của các đơn vị liên quan (150 ha) trên địa bàn xã Hơ Moong để cấp đất cho người dân, góp phần giải quyết việc thiếu đất sản xuất cho nhân dân khu tái định cư.
Ông A. Đíu (làng Ka Bay) cho biết: “Người dân và cộng đồng Ja Rai sinh sống gắn bó với rừng và nương rẫy. Dự án tái định cư không giao rừng cho làng. Dân làng kiến nghị liên tục lên các cấp giao rừng cho làng để bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, giao đất để bà con sản xuất. Sau khi được giao rừng bảo vệ nguồn nước, dân làng an tâm vì đã có đủ nước sinh hoạt và sản xuất, tự tổ chức quản lý bảo vệ rừng tốt. Ai xâm phạm vào rừng thì bị phạt theo quy ước của làng”.
Cùng với đó, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định lập hồ sơ thu hồi đất của Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam giao cho địa phương quản lý, trong đó có 129 ha diện tích đất rừng giáp với khu vực rừng và đất sản xuất của các làng TĐC xã Hơ Moong (riêng trên địa bàn làng Ka Bay gần 50 ha). Trên cơ sở tiếp nhận kiến nghị của các cộng đồng làng và xã Hơ Moong về đề nghị thu hồi đất của công ty nguyên liệu giấy Miền Nam giao lại cho các buồn làng sử dụng bảo vệ nguồn nước, UBND tỉnh Kon Tum mở rộng rà soát thu hồi đất rừng xâm canh của các xã lân cận trả lại cho xã Hơ Moong, thu hồi đất rừng sử dụng không hiệu quả của Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam trả về cho các xã Sa Nhơn, Rờ Kơi để giao lại cho người dân.
“Dự án tái định cư chưa giải quyết được đất sản xuất của các hộ dân tái định cư trong thời gian dài, UBND xã cũng đã nhận được nhiều đơn kiến nghị của người dân. Nếu chính quyền xã không quan tâm vào cuộc lắng nghe ý kiến người dân thì việc giải quyết bức xúc về thiếu đất sản xuất của người dân sẽ rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Niệm - Bí thư Đảng ủy xã Hơ Moong giãi bày.
Trên cơ sở hiện trạng rừng trên địa bàn xã Hơ Moong, Viện CODE, LHH Kon tum phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ UBND huyện Sa Thầy tổ chức thành công việc giao đất giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng các làng Ka Bay, Đăk Wơk, Cờ Tu, Đăk Do với tổng diện tích 86,17ha cho 836 hộ quản lý. Sau khi được giao đất giao rừng, các cộng đồng làng đã xây dựng quy ước, hương ước quản lý bảo vệ rừng của cộng đồng, quy định trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, kết hợp với kiểm tra duy tu nguồn nước tự chảy. Đồng thời, hình thành Ban bảo vệ rừng chung các làng nhằm giải quyết những vướng mắc ngoài phạm vi của làng mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa kiểm tra khu rừng của làng Ka Bay quản lý, bảo vệ
Để đánh giá kết quả công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý, ngày 15 tháng 11 năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đã trực tiếp kiểm tra mô hình thực hiện việc giao đất giao rừng cho cộng đồng làng Ka Bay, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy và làm việc với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan. Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm chủ động phối hợp của các đơn vị: Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Sa Thầy, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Viện CODE và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai, thực hiện mô hình giao đất, giao rừng cho cộng đồng thôn Ka Bay, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy để quản lý bảo vệ.... Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Viện CODE, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh và các đơn vị, địa phương có liên quan rà soát, đánh giá toàn diện, rút kinh nghiệm từ các mô hình giao đất, giao rừng đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với mô hình tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy.
Trên cơ sở đó lựa chọn một số vị trí (có rừng hoặc diện tích đất lâm nghiệp tạm xem có rừng và chưa có rừng) xây dựng Phương án triển khai việc thí điểm giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng làng quản lý với mục tiêu hướng đến là giúp người dân cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập và tiến tới làm giàu từ rừng, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng được giao.
Nhận thức một cách đầy đủ về quyền được quản lý, sử dụng tài nguyên rừng, cũng như những lợi ích mà rừng mang lại, cồng đồng làng Ka Bay, Đăk Wơk, Cờ Tu, Đăk Do đã duy trì tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phục hồi rừng, bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng, đảm bảo tốt nhu cầu sinh hoạt và đời sống của người dân trên địa bàn.